Chứng khoán Mỹ cân bằng trở lại

Chốt phiên 9/8, chỉ số S&P 500 tăng điểm và không thay đổi nhiều khi tính theo tuần.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Chỉ số này đã phục hồi gần như hoàn toàn sau khi lao dốc trong phiên đầu tuần, thời điểm chi phối tâm lý nhà đầu tư là những lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế cùng xu hướng thanh lý các giao dịch chênh lệch lãi suất dựa trên đồng yen trên toàn cầu.

Phiên 9/8, chỉ số Dow Jones tăng 51,05 điểm, hay 0,13%, lên 39.497,54 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 24,85 điểm, hay 0,47%, lên  5.344,16 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 85,28 điểm, hay 0,51%, lên 16.745,3 điểm.

Lĩnh vực công nghệ dẫn đầu đà tăng điểm trong phiên cuối tuần này và chỉ số biến động Cboe Volatility Index, đo lường mức độ lo ngại của nhà đầu tư trên Phố Wall, giảm sau khi tăng mạnh vào đầu tuần.

Trong ngày 8/8, các nhà hoạch định chính sách Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ lạc quan rằng lạm phát đang hạ nhiệt đủ để cho phép hạ lãi suất và cho biết sẽ căn cứ vào số liệu kinh tế để quyết định mức hạ và thời điểm hạ lãi suất.

Tuần qua, thị trường đã giảm mạnh trong phiên 5/8, sau đợt bán tháo của tuần trước đó, do báo cáo việc làm tháng 7/2024 của Mỹ yếu hơn dự kiến, gây lo ngại về nguy cơ suy thoái và các nhà đầu tư rút khỏi các giao dịch chênh lệch lãi suất liên quan đến đồng yen.

Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 0,05%, chỉ số Dow Jones giảm 0,6% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,2%.

Theo Giám đốc quản lý giao dịch chứng khoán tại Wedbush Securities (Los Angeles), Michael James, sẽ vẫn có nhiều yếu tố không chắc chắn khiến các nhà giao dịch tiếp tục lo ngại trong tháng tới, cho đến khi diễn ra cuộc họp của Fed.

Fed được cho là sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp vào ngày 17-18/9, nhưng các nhà giao dịch đang cân nhắc giữa hai khả năng lãi suất giảm 25 điểm cơ bản và 50 điểm cơ bản.

Các nhà giao dịch hiện nhận định có 51% khả năng lãi suất giảm 50 điểm cơ bản và 49% khả năng lãi suất giảm 25 điểm cơ bản.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ các số liệu về giá tiêu dùng và doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7/2024 sẽ được công bố trong tuần tới để có cơ sở đánh giá về khả năng "hạ cánh mềm" của kinh tế Mỹ.

Lê Minh/TTXVN (Tổng hợp)
Chứng khoán hỗn loạn và rủi ro tài chính toàn cầu
Chứng khoán hỗn loạn và rủi ro tài chính toàn cầu

Ngày 5/8, thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến phiên “chao đảo” trên diện rộng. Nhiều sàn giao dịch giống như bị cuốn vào trong một cơn bão lớn. Trên khắp châu Âu, Mỹ, Nhật Bản các nền kinh tế lớn khác, hàng loạt cổ phiếu giảm, khiến các nhà đầu tư choáng váng và lo lắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN