Như vậy, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam diễn biến đồng chiều với thị trường quốc tế, VN-Index bật tăng trở lại hơn 22 điểm sau phiên bán tháo ngày 5/8. Trong ngày 6/8, chứng khoán Nhật Bản và các nước châu Á - Thái Bình Dương cũng hồi phục trở lại.
Kết phiên chiều 6/8, chỉ số VN-Index tăng 22,21 điểm, tương đương 1,87%, lên 1.210,28 điểm, với 383 mã tăng và 58 mã giảm. Thanh khoản giảm còn hơn 18 nghìn tỷ đồng trên toàn thị trường.
Top cổ phiếu giao dịch nổi bật trên sàn VN-Index bao gồm: BCM +5,2%, VNM +4,8%, GVR +4,2%, MSN +3,8%, STB +4,4%, BID +1,4%, FPT +1,9%, HVN +6,6%, MBB +2% và HPG +1,4%. Ngược lại, cổ phiếu giảm khá mạnh là QCG, dù thoát giá sàn nhưng vẫn mất 4,7% xuống 5.870 đồng/cổ phiếu, khớp 1,8 triệu đơn vị.
Chỉ số HNX-Index tiếp tục nhích dần lên. Kết thúc phiên chiều 6/8, HNX-Index tăng 3,75 điểm (+1,68%), lên 226,46 điểm với 128 mã tăng và 56 mã giảm,. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,4 triệu đơn vị, giá trị 1.036,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,53 triệu đơn vị, giá trị 149,3 tỷ đồng.
UpCoM-Index tăng 1,43 điểm (+1,58%), lên 92,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,8 triệu đơn vị, giá trị 465,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,5 triệu đơn vị, giá trị 75 tỷ đồng.
Khối ngoại giao dịch sôi động trở lại nhưng vẫn giữ quy mô bán ròng trên 800 tỷ đồng, chủ yếu giảm tỷ trọng cổ phiếu VJC -357 tỷ đồng, FPT -114 tỷ đồng, MWG -114 tỷ đồng, AGG -112 tỷ đồng. Ngược lại, cổ phiếu VNM tiếp tục được gom 203 tỷ đồng, MSN +42 tỷ đồng, HVN +37 tỷ đồng.
Tại Talkshow “Vì sao chứng khoán mãi loay hoay vùng 1.200 điểm?” do báo Người Lao động tổ chức ngày 6/8, ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Mirae Asset cho biết: Từ năm 2018 đến nay, một năm sẽ có 2 - 3 sóng điều chỉnh. Trừ năm 2019 có 2 sóng giảm nhẹ, tất cả các năm còn lại 2 sóng điều chỉnh luôn trên 100 điểm, thậm chí có thể kéo tới 300 điểm. Năm 2024, VN-Index đã có đợt giảm 129 điểm trong sóng đầu tiên.
Ông Đinh Minh Trí dự báo sẽ có rất nhiều yếu tố tác động đến thị trường. TTCK đang ở trong sóng 2 điều chỉnh, thị trường có thể điều chỉnh trên 150 điểm là vấn đề bình thường. Đề cập về giao dịch ký quỹ (margin), ông Đinh Minh Trí cho rằng: “Nói đến margin trước đây là thị trường thường quan tâm đến nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, nhưng giai đoạn gần đây có sự thay đổi. Theo khảo sát, mặc dù giá trị vay margin tăng so với năm trước nhưng bóc tách ra thì phần vay chính nằm ở các cổ đông lớn, những nhà đầu tư lớn ‘big boys’ trên thị trường mua và giữ”.
Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư ngoại bán ròng 60.000 tỷ đồng, bắt buộc nhà đầu tư Việt Nam phải mua vào và “big boys” là những người gom 60.000 tỷ đồng. “Họ gom có thể bằng tiền mặt của họ hoặc có thể từ tiền vay và khi vay đến một ngưỡng sẽ đến độ căng cứng margin”, ông Đinh Minh Trí nhận xét.
Theo Mirae Asset, cổ đông lớn của các doanh nghiệp có thể đang trong giai đoạn khó khăn khi TTCK từ mốc 1.300 điểm rơi xuống dưới 1.200 điểm nên giai đoạn hiện có thể hơi căng cứng. Nếu tình hình thế giới còn bất ổn, xuất hiện tình trạng bán giải chấp cổ phiếu (force sell), có thể sẽ có những nhóm nhà đầu tư lớn vào bắt đáy.
Còn ông Barry Weisblatt David - Giám đốc Khối phân tích Công ty CP chứng khoán VnDirect cho biết: Từ phiên giao dịch ngày 5/8, TTCK dự báo còn có thể biến động rất mạnh và các nhà đầu tư cần có các biện pháp quản trị rủi ro thật tốt. “Phiên giao dịch ngày 5/8 cũng đã tạo ra cơ hội mua vào tốt. Trên thực tế, tôi đã khuyến nghị nên mua cổ phiếu vào phiên chiều hôm qua với kỳ vọng của chúng tôi vào triển vọng của thị trường vào cuối năm 2024 sẽ được cải thiện”, đại diện VnDirect cho biết.