George Boubouras, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản K2 Asset Management tại Melbourne (Australia) cho hay: "Rõ ràng các đợt phong tỏa xã hội nghiêm ngặt của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng và tâm lý kinh doanh của họ trong một thời gian và việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc liên tục sụt giảm cũng tác động xấu tới thị trường, khi nó còn có khả năng tiếp tục đi xuống".
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 120,20 điểm (0,42%), xuống 28.162,83 điểm. Dẫn đầu đà giảm của chỉ số Nikkei là nhóm cổ phiếu công nghệ, trong khi số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc tiếp tục tăng cao.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm hơn 1%, do tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng trước các lệnh hạn chế COVID-19 kéo dài ở Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Trong khi đó, đồng won giảm mạnh so với đồng USD.
Những lo ngại ngày càng gia tăng về chính sách Zero-COVID của Trung Quốc đang lấn át bất kỳ nhân tố nào hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư, kể cả việc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,25 điểm phần trăm vào cuối tuần trước, điều này sẽ giải phóng khoảng 70 tỷ USD thanh khoản nhằm vực dậy nền kinh tế Trung Quốc đang đình trệ.
Robert Subbaraman, nhà kinh tế trưởng của Nomura, cho biết có thể kế hoạch "sống chung với COVID" của Trung Quốc là quá chậm, dẫn tới các cuộc biểu tình, gây thêm bất ổn xã hội và làm suy yếu nền kinh tế hơn nữa.
Đồng USD giảm 0,46% so với đồng yen, xuống 138,46 yen/USD, sau khi giao dịch cao hơn vào đầu ngày. Đồng euro giảm 0,4% so với đồng USD, sau khi tăng 4,94% trong tháng qua. Trong khi đó, chỉ số đồng USD, thước đo diễn bến của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chủ chốt, tăng lên 106,39.
Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đỏ sàn. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt mất 275,64 điểm (1,57%) và 23,14 điểm (0,75%), xuống 17.297,94 điểm và 3.078,55 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 28/11, dù diễn biến các thị trường chứng khoán trong khu vực khá tiêu cực.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/11, VN-Index tăng 34,23 điểm lên 1.005,69 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 973,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn hơn 15.943,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 416 mã tăng giá, 55 mã giảm giá và 50 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 7,29 điểm lên 204,06 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 78,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 951,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 173 mã tăng giá, 34 mã giảm giá và 32 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 1,62 điểm lên 70,03 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 37,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 400 tỷ đồng. Toàn sàn có 248 mã tăng giá, 70 mã giảm giá và 37 mã đứng giá.