Chốt phiên này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 7%, lên 21.501,23 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 3,5%, lên 26.652,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 1,4%, lên 3.215,04 điểm.
Lòng tin của các nhà đầu tư trong khu vực vẫn tích cực sau khi quan chức hàng đầu phụ trách lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc cam kết thực hiện các biện pháp hỗ trợ thị trường và nói rằng việc siết chặt giám sát đối với lĩnh vực công nghệ đang đi đến hồi kết.
Thông tin trên đã đưa chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng hơn 9% trong phiên 16/3, với chỉ số của lĩnh vực công nghệ tăng kỷ lục 22%.
Hoạt động mua vào vẫn tiếp tục trong phiên này, đưa cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ như Alibaba, Tencent và JD.com tăng mạnh.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng giúp các nhà đầu tư lạc quan là hy vọng Ukraine và Nga đang tiến tới thỏa thuận "hạ nhiệt" căng thẳng sau khi xung đột khiến các thị trường biến động và gây lo ngại về sự tăng vọt lạm phát, do giá hàng hóa tăng.
Các nhà giao dịch lo ngại lạm phát tăng và xung đột tại châu Âu sẽ khiến đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 còn yếu sẽ chịu tác động, trong lúc các ngân hàng trung ương đang hướng tới việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Kết thúc cuộc họp vào ngày 16/3, Fed đã tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lần tăng đầu tiên kể từ năm 2018, nhưng đưa ra đánh giá tích cực về nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho rằng có nguy cơ thấp về suy thoái trong năm tới và Fed đang trong điều kiện rất thuận lợi để thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chốt phiên 17/3, tại Việt Nam chỉ số VN-Index tăng 2,01 điểm (0,14%) lên 1.461,34 điểm, HNX-Index giảm 0,02 điểm xuống 446,16 điểm.