Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,3% sau khi trước đó sụt mất 1,1% và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 11/8/2017.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 12,18 điểm (0,05%) xuống 22.192,04 điểm, sau khi mất 1,2% vào đầu phiên.
Tại Sydney (Australia), chỉ số S&P ASX 200 lùi 0,1% xuống 6.323,20 điểm. Trong lúc chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm 18,11 điểm (0,80%) xuống 2.240,80 điểm, mức thấp nhất 15 tháng qua do lo ngại về xung đột thương mại trên toàn cầu khởi nguồn từ các chính sách bảo hộ của Mỹ.
Cũng trong phiên 16/8, hai thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc là Thượng Hải và Hong Kong cũng đều đỏ sàn, bất chấp tín hiệu khả quan mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Khép phiên này, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite giảm 223,53 điểm (0,82%) và 18,07 điểm (0,66%), xuống lần lượt 27.100,06 điểm và 2.705,19 điểm.
Trong khi đó, bất chấp những lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ kỳ, hầu hết thị trường chứng khoán châu Âu đều mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 16/8 khá tích cực. Trên sàn giao dịch Frankfurt (Đức), chỉ số DAX 30 tăng 0,3% lên 12.202,13 điểm. Trong lúc chỉ số CAC 40 tại Paris của Pháp và FTSE 100 ở London (Vương quốc Anh) cũng tiến 0,4% và 0,3%, lên lần lượt 5.326,17 điểm và 7.521,53 điểm.
Đáng chú ý là tại thị trường chứng khoán Milan (Italy), hoạt động giao dịch cổ phiếu Atlantia - doanh nghiệp quản lý thu phí các đường cao tốc thu phí ở Italy - đã bị tạm ngừng trong đầu phiên này do vụ sập cầu cạn trên tuyến đường cao tốc A10 tại thành phố Genoa khiến ít nhất 38 người thiệt mạng. Vài giờ sau đó, hoạt động giao dịch đã trở lại và giá cổ phiếu của Atlantia đã mất 24,4% xuống 17,79 euro/cổ phiếu sau khi Chính phủ Italy tuyên bố có thể sẽ thu hồi giấy phép vận hành đường cao tốc của Autostrade. Autostrade per l'Italia - nhà thầu vận hành cầu Morandi - là một đơn vị thuộc Atlantia quản lý các đường cao tốc thu phí ở Italy.
Trong phiên giao dịch chiều 16/8, giá dầu châu Á hồi phục sau khi Bắc Kinh cho biết sẽ cử một phái đoàn đến Washington để nỗ lực giải quyết bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tại thị trường Singapore vào lúc 14 giờ 12 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 0,35 USD (0,5%) so với cuối phiên trước lên 71,11 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,15 USD (0,2%) lên 65,17 USD/thùng.
Ngày 16/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo một phái đoàn nước này do Thứ trưởng Bộ Thương mại Wang Shouwen (Vương Thụ Văn) dẫn đầu sẽ tới Mỹ để tiến hành đàm phán về thương mại.
Ngoài thông tin trên, thị trường cũng khá thận trọng do sản lượng và dự trữ dầu thô của Mỹ gia tăng, cũng như triển vọng ảm đạm của các nền kinh tế thị trường mới nổi, nhất là ở châu Á, có thể hạn chế mức tăng về nhu cầu tiêu thụ "vàng đen".
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo sản lượng dầu thô của nước này tăng 100.000 thùng/ngày lên 10,9 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 10/8. Đồng thời, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ cũng tăng 6,8 triệu thùng lên 414,19 triệu thùng.