Trong 15 phút đầu giao dịch, chỉ số Nikkei-225 đã tăng 351,72 điểm (1,19%) lên 30.011,61 điểm. Đây là lần đầu tiên trong 5 tháng qua chỉ số này vượt mốc 30.000 điểm. Trong khi đó, chỉ số Topix tăng 26,80 điểm (1,31%), lên 2.068,02 điểm. Như vậy, chỉ số Topix tiếp tục tăng sau khi khép phiên ngày 6/9 ở mức cao nhất kể từ ngày 16/8/1990.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu cũng có một ngày giao dịch sôi động, chốt phiên ngày 6/9 ở gần các mức cao kỷ lục. Dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ, khi lượng đơn đặt hàng chế tạo ở Đức bất ngờ tăng, cho thấy nhu cầu toàn cầu đang cải thiện.
Chốt phiên, chỉ số chứng khoán châu Âu STOXX 600 tăng 0,7% lên 475,19 điểm, gần bằng mức cao nhất từ trước đến nay là 476,16 điểm ghi nhận trong phiên 13/8. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch vẫn thưa thớt do thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.
Sau khi chỉ số công nghệ Nasdaq trên Phố Wall chạm mức cao kỷ lục trong phiên cuối tuần trước, chỉ số công nghệ của châu Âu cũng tăng 1,7% lên 829,31 điểm, mức tăng cao nhất trong năm nay. Trong đó, cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị chip ASML và công ty đầu tư công nghệ Prosus của Hà Lan tăng mạnh nhất.
Sự bất ổn trong thời gian gần đây về chính sách tiền tệ và sự gia tăng số ca mắc COVID-19 đã khiến giới đầu tư tìm đến các cổ phiếu công nghệ, vốn là nhóm cổ phiếu diễn biến tốt nhất trong thời gian đại dịch. Chứng khoán Đức tăng 1% sau khi số đơn đặt hàng chế tạo của nước này tăng lên trong tháng 7 đã thúc đẩy tâm lý của giới đầu tư.
Thị trường cũng đang hướng sự chú ý đến cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này. Nhiều nhà hoạch định chính sách đang kêu gọi ECB bắt đầu giảm mua trái phiếu, trong bối cảnh lạm phát đang tăng mạnh và đà phục hồi ổn định.