Giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 9/2022 đã tăng 0,4% so với tháng 8/2022, gấp đôi mức 0,2% mà các nhà phân tích dự đoán, ngay cả khi mức tăng hàng năm của chỉ số giá tiêu dùng chậm lại một chút từ 8,3% xuống 8,2%.
Số liệu này là dấu hiệu mới nhất cho thấy lạm phát ngày càng ăn sâu vào nền kinh tế Mỹ, bất chấp nhiều hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để chống lại xu hướng này.
Chứng khoán Mỹ ban đầu đã giảm mạnh theo báo cáo này, điều làm trầm trọng thêm nỗi lo về khả năng tăng lãi suất mạnh mẽ hơn của Fed. Tuy nhiên, chứng khoán đã sớm đảo chiều, và giao dịch trong vùng dương cho đến hết phiên.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,8% lên 30.038,72 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 2,6% lên 3.669,91 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,2% lên 10.649,15 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây dương, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,4% lên 6.850,27 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 1,5% lên 12.355,58 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 1% lên 5.879,19 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,9% lên 3.362,40 điểm.
Nhà phân tích Patrick O'Hare của Briefing.com cho biết động thái ban đầu sau khi có báo cáo lạm phát là các nhà giao dịch đồng loạt bán ra. Tuy nhiên, khi cổ phiếu không giảm xuống dưới mức giao dịch quan trọng, chúng đã quay đầu và được đẩy lên cao hơn. Sự đảo chiều ban đầu là do các yếu tố giao dịch kỹ thuật. Thêm vào đó, số liệu lạm phát đáng thất vọng trên không gây sốc cho thị trường nhiều so với các báo cáo kinh tế khác gần đây.
Cũng trong phiên 13/10, đồng bảng Anh tăng vọt so với đồng USD và các loại tiền tệ khác trong bối cảnh truyền thông đồn đoán rằng chính phủ có thể cắt giảm các kế hoạch kích thích tài khóa và tăng thuế doanh nghiệp trong chính sách mới nhất của mình.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhiều lần chỉ trích các chính sách của chính phủ mới ở Anh, trong đó Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva kêu gọi các biện pháp "chặt chẽ và nhất quán".
Trong suốt cuộc họp của các lãnh đạo tài chính ở Washington vào tuần này, IMF đã nhấn mạnh rằng ưu tiên của các ngân hàng trung ương là kiểm soát lạm phát bằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ và các chính phủ phải giữ ngân sách thắt chặt.
Bà Georgieva nói rằng thông điệp của IMF gửi tới tất cả các ngân hàng trung ương/chính phủ, không chỉ với Vương quốc Anh, tại thời điểm này đó là chính sách tài khóa không nên làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.
Đồng yen Nhật cũng chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1990 sau dữ liệu lạm phát của Mỹ, phản ánh khoảng cách giữa các ngân hàng trung ương Mỹ và Nhật Bản trong chính sách tiền tệ.
Carol Kong, nhà kinh tế và chiến lược tiền tệ tại Commonwealth Bank of Australia, cho biết Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục giữ chính sách tiền tệ nới lỏng vì lạm phát và tiền lương vẫn ở mức tương đối thấp.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/10, VN-Index tăng 16,18 điểm lên 1.050,99 điểm; toàn sàn có 265 mã tăng, 183 mã giảm và 74 mã đứng giá. HNX- Index tăng 1,31 điểm lên 224,74 điểm; toàn sàn có 85 mã tăng, 81 mã giảm và 50 mã đứng giá.