"Hàng hóa, lương thực đã chuẩn bị đủ cho công tác xuất, cấp hàng dự trữ cho dịp Tết Nguyên đán 2021. Tổng cục DTNN đã cử các cán bộ đi tìm hiểu, khảo sát kỹ để lên phương án vận chuyển hàng sao cho đảm bảo thông suốt đến tay người dân sớm nhất trong dịp Tết", ông Phạm Việt Hà cho hay.
Theo Vụ Quản lý hàng dự trữ, tổng số gạo được đề xuất hỗ trợ, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất của các Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tại 8 tỉnh, thành trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu cao hơn so với Tết Canh Tý (số gạo hỗ trợ Tết Nguyên đán 2020 là 6.460 tấn) do dịch bệnh COVID-19 kéo dài; thiên tai lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bà con nhân dân, đặc biệt các tỉnh miền Trung.
"Ngoài 2 tỉnh đã có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp hỗ trợ hơn 727 tấn gạo đối với bà con tỉnh Nghệ An; Quảng Nam là 975 tấn, hiện một số tỉnh vẫn đang chờ UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời phải có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN mới xuất hàng", ông Phạm Việt Hà cho biết.
Theo Tổng cục DTNN, năm 2020, riêng về lương thực, Tổng cục DTNN đã xuất cấp 132.100 tấn gạo, trị giá khoảng 1.412 tỷ đồng để hỗ trợ Tết Nguyên đán Canh Tý 6.460 tấn; hỗ trợ thiên tai, mưa lũ, hạn hán 24.284 tấn; hỗ trợ giáp hạt 5.829 tấn; hỗ trợ dự án trồng rừng 18.323 tấn; hỗ trợ học sinh 71.204 tấn gạo.
Đặc biệt, năm 2020, khi miền Trung liên tục bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, Tổng cục DTNN đã xuất cấp hơn 19.000 tấn gạo, trị giá 213 tỷ đồng cùng nhiều vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn như: Xuồng cao tốc, bè cứu sinh, nhà bạt cứu sinh, phao cứu sinh, máy bơm chữa cháy, máy phát điện, máy khoan cắt bê tông trị giá khoảng 202,9 tỷ đồng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Vũ Anh, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai bão lũ năm 2020 để lại. Nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh là rất lớn trong khi nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG) còn hạn hẹp.
Vì vậy, Tổng cục DTNN sẽ đôn đốc các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản hàng DTQG thực hiện kế hoạch được giao; hướng dẫn và giải quyết kịp thời về giá, vốn, chi phí cho các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ nhập hàng; thẩm định và tổng hợp báo cáo quyết toán vốn, chi phí liên quan đến nhập, xuất và bảo quản hàng DTNN của các bộ, ngành theo quy định.
Năm 2021, toàn ngành DTNN dự kiến nhập 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc, nhập đủ số lượng, đảm bảo chất lượng vật tư, thiết bị hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý và các bộ, ngành được giao quản lý; đáp ứng yêu cầu hỗ trợ, cứu trợ các địa phương trong trường hợp bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa; khống chế dịch bệnh; đảm bảo an ninh, quốc phòng.