Vào lúc 14 giờ 21 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng Tư giảm 30 xu xuống 82,75 USD/thùng, sau khi giảm 1,2% trong phiên trước. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tư giảm 38 xu xuống 75,98 USD/thùng.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp mới nhất trong ngày 22/2. Văn bản này sẽ cung cấp cho các nhà giao dịch thông tin về chính sách lãi suất sau khi các số liệu gần đây cho thấy thị trường việc làm và giá tiêu dùng của Mỹ cao hơn dự kiến.
Lãi suất cao hơn có xu hướng nâng đỡ đồng USD và khiến cho dầu được định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Các báo cáo kinh tế khác từ Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, cho thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại. Doanh số bán nhà hiện có đã giảm trong tháng Một xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2010, mức giảm hàng tháng thứ 12, ghi dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1999.
Serena Huang, chuyên gia tại Vortexa, cho biết những lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng tăng đang kìm hãm giá dầu, nhưng thị trường đang lạc quan một cách thận trọng về sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc, đặc biệt là đối với xăng và nhiên liệu máy bay.
Một cuộc khảo sát của hãng Reuters cho thấy sự gia tăng lượng dầu tồn kho của Mỹ, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nhu cầu.
Tuy nhiên, những dự báo nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn và nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc đã bù đắp cho sự suy yếu của giá dầu. Các nhà phân tích dự đoán nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với nhiên liệu và khi các nhà máy lọc dầu mới đi vào hoạt động.