Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 96 xu Mỹ (tương đương 1,13%) xuống còn 84,18 USD/thùng vào lúc 15 giờ 4 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 97 xu Mỹ (1,24%) xuống còn 77,52 USD/thùng.
Các số liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng 0,7% trong tháng 1/2023, sau khi giảm 0,2% trong tháng 12/2022. Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm xuống còn 194.000 đơn so với dự báo 200.000 đơn theo một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Ông Kazuhiko Saito, trưởng bộ phận phân tích tại công ty môi giới đầu tư Fujitomi Securities Co Ltd, cho biết các số liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ làm gia tăng lo ngại về việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Động thái đó sẽ khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên, gây áp lực lên giá dầu và các hàng hóa khác.
Bên cạnh đó, bà Tina Teng, một nhà phân tích tại nền tảng giao dịch trực tuyến CMC Markets cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 17 tháng. Điều này cho thấy nhu cầu đang suy yếu, đẩy giá dầu xuống thấp hơn.
Giá dầu đã có một tuần bấp bênh giữa những lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ trong bối cảnh Fed tăng lãi suất để chống lạm phát, cùng hy vọng về sự phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tuần này cho biết Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023, sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiềm chế COVID-19. Tuy nhiên, việc hạn chế sản xuất của các nước thuộc nhóm OPEC+ - gồm Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối - có thể dẫn tới thiếu hụt nguồn cung trong nửa sau năm nay.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết thỏa thuận hiện tại của OPEC+ về cắt giảm sản xuất 2 triệu thùng dầu mỗi ngày sẽ có hiệu lực cho đến cuối năm nay. Đồng thời, ông cho biết thêm mình vẫn thận trọng về nhu cầu của Trung Quốc.