Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 311,01 điểm (1,11%) xuống 27.832,96 điểm, do tâm lý lo ngại sau khi vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) khiến giá cổ phiếu trên Phố Wall lao dốc.
Công ty chứng khoán IwaiCosmo Securities nhận định vụ việc của SVB đã đào sâu những lo ngại về hệ thống tài chính. Triển vọng chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ được duy trì trong một thời gian cũng thúc đẩy hoạt động bán ra cổ phiếu ngân hàng.
Bên cạnh đó, đà tăng của đồng yen so với đồng USD còn gây sức ép lên các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu. Ngày 12/3, các nhà chức trách Mỹ đã công bố biện pháp giải cứu những người gửi tiền vào SVB.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng cho biết sẽ cung cấp thêm tiền để giúp các tổ chức khác đáp ứng nhu cầu của khách hàng, khi ngân hàng Signature Bank có trụ sở tại New York cũng đã bị đóng cửa ngày 12/3. Sự sụp đổ của hai ngân hàng đang gây căng thẳng cho thị trường.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/3 khẳng định Bộ trưởng Tài chính và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia nước này đã tích cực làm việc với các cơ quan quản lý ngân hàng để giải quyết các vấn đề tại ngân hàng SVB và ngân hàng Signature, đồng thời cho rằng giải pháp này giúp đảm bảo không có rủi ro đối với nguồn tiền của người nộp thuế.
Tại Trung Quốc, hưởng ứng cam kết hỗ trợ của Mỹ đối với ngành ngân hàng , chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 38,62 điểm (1,20%) lên 3.268,70 điểm; còn chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 376,05 điểm (1,95%) lên 19.695,97 điểm.
Theo các nhà quan sát, giới đầu tư đang chờ đợi xem liệu hoạt động điều tiết gấp rút mới đây nhằm cố gắng hạn chế hậu quả từ sự sụp đổ của SVB có giúp xoa dịu các thị trường hay không. Cho đến nay, những hành động táo bạo này dường như đang phát huy tác dụng.
Kết phiên 13/3, tại Việt Nam, VN-Index giảm 0,2 điểm xuống 1.052,80 điểm; toàn sàn có 114 mã tăng, 288 mã giảm và 61 mã đứng giá. HNX- Index giảm 2,01 điểm xuống 205,85 điểm; toàn sàn có 46 mã tăng, 122 mã giảm và 44 mã đứng giá.