Lực mua chiếm áp đảo đã kéo chỉ số MXV-Index lên vùng cao nhất trong 9 tháng qua và dừng chân ở mức 2.349 điểm. Xu hướng giằng co diễn ra trên thị trường năng lượng và kim loại. Kết phiên, giá nhiều mặt hàng kim loại cơ bản tăng tích cực, trong khi giá hai mặt hàng dầu thô đồng loạt suy yếu.
Thị trường kim loại cơ bản diễn biến trái chiều
Thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa trong phiên giao dịch ngày 13/2. Biến động này diễn ra trong bối cảnh thị trường đang đánh giá tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ và triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc.
Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc giảm nhẹ 0,18% xuống 32,73 USD/ounce, dù vẫn duy trì ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2024. Giá bạch kim cũng suy yếu 0,51% về 1.043 USD/ounce, nhưng vẫn neo ở vùng giá cao nhất trong hơn ba tháng qua.
Đà giảm của nhóm kim loại quý phản ánh tác động từ dữ liệu kinh tế Mỹ. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống 213.000 đơn, thấp hơn dự báo, trong khi chỉ số giá sản xuất tháng 1 tăng 0,4%, vượt kỳ vọng. Những số liệu này củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, khiến USD mạnh lên và gây áp lực lên giá kim loại quý.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX tăng ấn tượng 1,56% lên 10.533 USD/tấn, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2024. Đà tăng được hỗ trợ bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung, thể hiện qua chi phí xử lý quặng đồng giảm xuống mức âm 12,5 USD/tấn theo dữ liệu từ Fastmarkets.
Ngược lại, quặng sắt giảm 0,76% xuống 106,99 USD/tấn, nhưng vẫn duy trì mức tăng 7% so với tháng trước. Giá quặng sắt chịu áp lực từ khả năng Ấn Độ áp thuế 15-25% đối với thép nhập khẩu, động thái nhằm đối phó với dòng thép dư thừa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng tại Australia, khi cảng Dampier phải đóng cửa do bão lớn, đã giúp hạn chế đà giảm.
Thị trường còn được hỗ trợ bởi thông tin Trung Quốc xem xét các biện pháp hỗ trợ tập đoàn bất động sản Vanke, phản ánh nỗ lực phục hồi ngành địa ốc tại nền kinh tế tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.
Giá dầu trượt nhẹ
Theo MXV, thị trường năng lượng tiếp tục gây chú ý cho các nhà đầu tư khi đi ngược chiều với diễn biến chung. Sắc đỏ bao trùm thị trường dầu thô thế giới trong phiên giao dịch. Đóng cửa, giá dầu Brent giảm 0,21% xuống 75,02 USD/thùng; giá dầu WTI giảm 0,11% về mức 71,29 USD/thùng.
Giá dầu thô thế giới suy yếu nhẹ trong bối cảnh Mỹ trì hoãn công bố thuế quan ít nhất cho đến tháng 4/2025. Điều này thúc đẩy kỳ vọng của thị trường về việc thế giới có thể tránh được một cuộc chiến thương mại toàn cầu gây ảnh hưởng lên nền kinh tế thế giới và nhu cầu về năng lượng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các quan chức thương mại và kinh tế nghiên cứu áp thuế quan tương ứng đối với các quốc gia áp thuế lên hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, các khuyến nghị này sẽ không được đưa ra cho đến ngày 1/4, tạo thêm thời gian để đàm phán với các đối tác thương mại.
Trong báo cáo về thị trường dầu IEA cho biết, khả năng xuất khẩu dầu của Nga có thể được duy trì nếu tìm được giải pháp cho các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Trong khi đó, số liệu từ EIA về tồn kho dầu của Mỹ tăng cao hơn dự kiến tạo thêm áp lực lên thị trường, cùng với lo ngại về khả năng Fed thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất do lạm phát cao hơn dự kiến.
Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/2, cả hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI đã giảm hơn 2% sau khi ba vị tổng thống của Mỹ - Nga và Ukraine điện đàm về một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt xung đột tại Ukraine.