Ghi nhận tại thị trấn Rạch Gốc, không khí sản xuất tôm khô đang rất tất bật, nhằm cung ứng cho thị trường Tết sắp tới. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hộ theo nghề, giá tôm khô năm nay sẽ tăng mạnh so với các năm, do nguyên liệu là tôm đất khan hiếm.
Theo nhiều nông dân nuôi tôm ở Cà Mau, ở những tháng giáp Tết năm nay nguồn tôm đất trong vuông khá ít. Hiện thương lái đến tận nơi thu mua với giá 160.000 đồng/kg (loại 150 con); trong khi năm vừa qua có giá từ 100.000-120.000 đồng/kg.
Ông Bùi Văn Chương - Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cho hay, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng giá tôm khô Rạch Gốc vẫn ở mức rất cao.
“Một phần là do nguồn nguyên liệu là tôm đất khá khan hiếm, có giá cao. Phần khác là do tình hình dịch COVID-19 khiến nhiều người hạn chế ra ngoài, họ muốn dự trữ thêm thức ăn cho dịp Tết, và các mặt hàng đặc sản truyền thống thường được lựa chọn nhiều”, ông Chương nhận định.
Ông Chương cũng cho biết thêm, giá tôm khô Rạch Gốc không phải mới tăng gần đây mà đã giữ mức giá cao từ khoảng tháng 6/2020 đến nay. Chỉ riêng khoảng 2 tháng Tết, hợp tác xã xuất ra thị trường khoảng 20 tấn tôm khô.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ sau Tết 2019 đến nay, giá tôm khô Rạch Gốc luôn giữ ở mức cao. Cụ thể, tôm khô Rạch Gốc tách vỏ loại I đang được bán với giá hơn 1,5 triệu đồng/kg, loại II có giá hơn 1,2 triệu đồng/kg, loại III có giá gần 1 triệu đồng/kg; trung bình tăng khoảng 200.000 đồng/kg tùy loại...
Hiện nay, Hợp tác xã tôm khô Tân Phát Lợi là một trong những đơn vị đang sử dụng nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc, một thương hiệu tôm khô nổi tiếng khắp cả nước.
Ông Lê Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển thông tin, hiện có 13 cơ sở đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc. Toàn huyện hiện có khoảng 20 cơ sở sản xuất tôm khô. Huyện Hội luôn hỗ trợ, hướng dẫn cho các cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể của địa phương công bố chất lượng sản phẩm; tham gia xúc tiến thương mại.
Quy trình cơ bản để làm nên con tôm khô Rạch Gốc, trước tiên là tiếp nhận nguyên liệu - chọn tôm đạt cỡ - rửa sạch - luộc - phơi - sấy - tách vỏ - sàng, lau bóng - phân loại - đóng gói. Các cơ sở sản xuất đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể đều phải đảm bảo tuân thủ đúng quy trình này.
Nhiều năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu hàng hoá, Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển tích cực chủ động phối hợp với các ngành chức năng hoàn thành hồ sơ đăng ký cái tên cho con tôm khô với nhãn hiệu tập thể “Tôm khô Rạch Gốc”.
Năm 2011, tôm khô Rạch Gốc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Nhằm phát huy tốt hơn nữa thương hiệu Tôm Khô Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển đã tập trung hướng dẫn các quy trình, thủ tục cho cơ sở, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chương trình OCOP. Trong đó, địa phương sẽ đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu thông qua quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP theo nhu cầu thị trường. Qua đó, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực địa phương, góp phần mang sản phẩm tôm khô Rạch Gốc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và vươn xa thương hiệu ra thế giới.