Vào đầu giờ sáng nay theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,25 USD, tương đương 1,6%, lên 77,55 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,35 USD/thùng, hay 1,9%, lên 74,29 USD/thùng.
Trong phiên trước đó, giá cả hai loại dầu trên đều giảm khoảng 1% trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc. Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã bị hạn chế bởi lo ngại rằng phản ứng của Iran đối với vụ ám sát thủ lĩnh Hamas ở Tehran có thể dẫn đến một cuộc chiến làn rộng ở Trung Đông.
Ông Hiroyuki Kikukawa, Chủ tịch của NS Trading, một đơn vị thuộc công ty chứng khoán Nissan Securities, cho biết lo ngại gia tăng về tình hình xung đột leo thang tại Trung Đông đã thúc đẩy hoạt động mua vào.
Ông Kikukawa nhận định thị trường dầu phần lớn đã tính đến khả năng xảy ra một cuộc tấn công trả đũa của Iran, vì vậy trọng tâm giờ đây là quy mô của nó và phản ứng của Israel. Theo chuyên gia này, nếu xung đột leo thang, giá dầu sẽ tăng, nhưng nếu tình hình được kiểm soát trong ngắn hạn - như đã xảy ra vào tháng Tư với bối cảnh tương tự, mức tăng của giá dầu sẽ bị hạn chế.
Tuy nhiên, những diễn biến tại Trung Đông ít có tác động đến thị trường chứng khoán. Các thị trường chứng khoán châu Á tăng trở lại trong phiên sáng 6/8 sau đợt bán tháo trên toàn cầu trong phiên trước đó do lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Tokyo, thị trường chứng kiến mức giảm kỷ lục trong phiên 5/8, đã có thời điểm tăng hơn 10% trong phiên này, khi các nhà giao dịch đổ xô mua lại các cổ phiếu bị bán tháo trước đó. Tại thời điểm nghỉ giữa phiên, chỉ số Nikkei 225 tăng 9,4% lên 34.416,32 điểm.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng có thể sẽ còn nhiều biến động hơn nữa. Công ty tài chính Nomura dự đoán chỉ số Nikkei sẽ kết thúc phiên này với mức tăng lớn nhất từ trước đến nay để phá vỡ kỷ lục 2.676,55 điểm ghi nhận hồi tháng 10/1990.
Sắc xanh cũng đồng loạt được ghi nhận tại các thị trường Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc), Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc) và Manila (Philippines). Nhưng hoạt động bán tháo vẫn đang tiếp diễn tại Singapore và Wellington (New Zealand).
Còn tại Việt Nam, vào lúc 10 giờ 28 phút, chỉ số VN-Index tăng 3,84 điểm, hay 0,32%, lên 1.191,91 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index gần như đi ngang ở mức 222,64 điểm.
Trên thị trường tiền tệ, đà tăng của đồng yen đã mất đà và đang ở mức gần 145 yen đổi 1 USD, sau khi đạt mức cao nhất trong sáu tháng qua, khoảng 142 yen đổi 1 USD trong phiên 5/8. Trong tháng 7/2024 đồng yen đã tăng vọt - sau khi chạm mức thấp nhất gần 40 năm vào đầu tháng - khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất vào cùng ngày Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết Fed đang lên kế hoạch nới lỏng chính sách.