Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ổn định ở mức 4.000 tỉ đồng mỗi phiên trong suốt tháng 01, tăng hơn 10% so với mức trung bình trong năm ngoái, cho thấy sự quan tâm của giới đầu tư trong nước đối với thị trường hàng hóa đang ngày càng gia tăng.
Dầu thô tiếp tục thể hiện sức mạnh
Giá dầu đánh dấu chuỗi tăng liên tiếp kéo dài trong 6 tuần, ghi nhận chuỗi tăng lớn nhất kể từ tháng 10. Tuần vừa rồi, giá dầu thô WTI tăng 1,97% lên 86,82 USD/thùng, Brent tăng 1,65% lên 88,52 USD/thùng. Các căng thẳng chính trị không ngừng gia tăng giữa Nga và khối NATO đang trở thành nhân tố lớn nhất tác động đến thị trường.
Các thành viên trong OPEC+, liên minh các nước sản xuất dầu lớn, vốn đóng vai trò bình ổn thị trường trong trường hợp thị trường mất cân bằng cung – cầu hiện tại cũng đang gặp vấn đề của riêng họ: Phía UAE liên tục thông báo phải đối phó với các cuộc tấn công tên lửa từ phía Houthi. Trong khi đó, các quốc gia sản xuất dầu lớn phía Bắc Phi khác như Ecuador cũng vừa cho biết đường ống dẫn dầu công suất 450.000 thùng/ngày đã bị vỡ, chỉ 1 tháng sau khi các vấn đề bảo trì kết thúc trong tháng 12.
Cùng diễn biến với dầu thô, giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng rất mạnh 22,66% lên 4,639 USD/MMBTu do dự báo thời tiết lạnh hơn và do nhu cầu nhập khẩu gia tăng từ phía châu Âu.
Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng nông sản
Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của tháng 01, sắc xanh tiếp tục phủ kín trên bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu của Sở Chicago.
Nối tiếp đà phục hồi từ tuần trước đó sau khi vượt lên khỏi mức kháng cự tâm lý 1.400 cents, giá đậu tương tăng mạnh gần 4% lên mức 1.470 cents/giạ, cao nhất kể từ giữa tháng 06 năm ngoái đến nay. Thông tin về việc các nhà nhập khẩu của Trung Quốc đẩy mạnh mua hàng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, kết hợp với thời tiết bất lợi ở khu vực Nam Mỹ là yếu tố chính hỗ trợ giá đậu tương trong tuần vừa rồi.
Trong khi đó, lo ngại về nguồn cung khô đậu tại Argentina khi sản lượng đậu tương bị hạ dự báo do ảnh hưởng bởi thời tiết, đã khiến giá bật tăng mạnh gần 5% sau khi vượt lên khỏi vùng kháng cự tâm lý 400 USD, và đóng cửa tuần ở mức 411,2 USD/tấn. Đây cũng là mức tăng lớn nhất của nhóm nông sản trong tuần vừa rồi.
Mặc dù chịu sức ép trái chiều từ đà tăng mạnh của khô đậu, nhưng việc giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng 2% lên mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm và dầu cọ thô tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử, đã giúp giá dầu đậu duy trì được mức tăng khá mạnh 3,6%, lên 65,27 cents/pound.
Tương tự với đậu tương, thời tiết bất lợi ở các vùng gieo trồng chính của Nam Mỹ cũng là yếu tố chính hỗ trợ giá ngô trong tuần vừa rồi. Mặc dù sản lượng ethanol sụt giảm và tồn kho ethanol tăng, nhưng các số liệu bán hàng và giao hàng tích cực của Mỹ cũng góp phần giúp giá ngô tăng 3,2% lên mức 636 cents/giạ, cao nhất kể từ giữa tháng 07 năm ngoái.
Đối với lúa mì, lo ngại về căng thẳng Nga – Ukraine là yếu tố chính thúc đẩy giá tăng vọt trong 2 phiên đầu tuần, tuy nhiên nhu cầu sụt giảm từ Trung Quốc, kết hợp với việc Nga không có động thái đẩy mạnh xung đột thêm khiến giá giảm mạnh ngay sau đó. Kết thúc tuần, giá lúa mì Chicago tăng nhẹ gần 1% lên mức 786,25 cents/giạ.
Nhóm nguyên liệu công nghiệp hạ nhiệt
Phần lớn các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp kết thúc tuần trong sắc đỏ. Giá Arabica giảm 0,8% còn 235,9 cents/pound, giá Robusta cũng đóng cửa tuần thấp hơn gần 1% ở mức 2.193 USD/tấn. Các nhà đầu tư trên thị trường cà phê không còn động lực mua bởi triển vọng nguồn cung của cả hai mặt hàng Arabica và Robusta hiện tương đối tích cực, đặc biệt là nguồn cung Robusta. Mức tồn kho trên Sở ICE US giảm mạnh về dưới 1,3 triệu bao cũng không đủ để hỗ trợ cho giá Arabica giữ được sắc xanh.
Ngoài ra, không chỉ hai mặt hàng cà phê, các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của đồng USD sau khi phiên họp tháng 1 của FED kết thúc. Lập trường thắt chặt của cơ quan này cùng với các biện pháp bảo vệ giá trị của đồng USD đã khiến cho chỉ số Dollar Index tăng lên 97,1 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 06/2020. Các nhà sản xuất vì thế cũng đẩy mạnh bán hàng trong bối cảnh đồng nội tệ suy yếu và hưởng lợi từ sự ổn định và tính thanh khoản cao của đồng USD.
Giá bông tăng 2,5% lên 123,8 cents/pound. Đà tăng của thị trường bông đã bị kìm hãm phần nào bởi đồng USD mạnh lên sẽ gây sức ép lên khả năng xuất khẩu của Mỹ, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ ở Châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc, đều là những nhà gia công lớn của các tập đoàn thời trang lớn trên thế giới đều tăng mạnh. Đặc biệt đồng Nhân dân tệ cũng mạnh lên cùng trong thời gian vừa qua, nên lực mua vẫn áp đảo trên thị trường bông.
Cũng như hai mặt hàng cà phê, hai mặt hàng đường đóng cửa tuần trong sắc đỏ, tuy nhiên mức giảm của cả hai mặt hàng đều tương đối lớn. Hợp đồng đường 11 tháng 3 giảm 3,7% còn 18,2 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn giảm 2% về dưới 500 USD/tấn. Thị trường dầu thô tăng trưởng cũng không đủ để hỗ trợ cho giá đường, bởi nguồn cung ở cả ba nước lớn là Thái Lan, Ấn Độ và Brazil đều được dự báo sẽ cải thiện rất tốt trong năm nay.
Kim loại lao dốc
Hai mặt hàng kim loại quý đóng cửa tuần trong sắc đỏ. Đáng chú ý, giá bạc giảm hơn 8% về 22,3 USD/ounce, dẫn đầu đà giảm của các mặt hàng kim loại. Giá bạch kim kết thúc tuần với mức giảm khiêm tốn hơn, khoảng gần 3% về 1.006,6 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý đều chịu sức ép từ sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng lên 97,1 điểm cùng với tiến trình thắt chặt của FED vẫn được củng cố khiến cho triển vọng của cả bạc và bạch kim đều rất tiêu cực. Vai trò trú ẩn an toàn của cả hai mặt hàng bị suy yếu trước tính thanh khoản của đồng USD, đồng thời cũng bị cạnh tranh gắt gao bởi mức lợi suất cao gần 1,8% của Trái phiếu chính phủ Mỹ. Giá bạch kim không chịu nhiều sức ép bán trong tuần vừa rồi phần nào nhờ những tin tức tích cực về triển vọng của ngành xe điện trên thế giới, bởi 40% nhu cầu tiêu thụ bạch kim mỗi năm đều thuộc về lĩnh vực sản xuất ô tô.
Đối với nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng có tuần giảm mạnh nhất về mức 4,3 USD/pound, thấp nhất trong vòng 6 tuần. Nguồn cung ổn định cùng với việc Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ đồng kém đi. Ngoài ra, vì giá đồng đang ở khá gần với mức đỉnh lịch sử, nên các quỹ cũng tiến hành cắt giảm bớt số vị thế mua vào cuối tuần để tránh những rủi ro khi giá biến động quá mạnh. Giá đồng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự tăng giá của đồng USD, bởi đây là mặt hàng thường được các nhà đầu tư mua nhiều trong bối cảnh lạm phát.
Trái lại, giá quặng sắt tăng gần 7% lên 146 USD/tấn. Dù cũng bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán của Trung Quốc, nhưng sản lượng thép không được dồi dào do Bắc Kinh đã mạnh tay áp chế các hoạt động sản xuất trong nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, các tập đoàn xuất khẩu quặng sắt lớn ở Úc như BHP hay Rio Tinto đều đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nhân công và sản xuất ít hơn do các chính sách giãn cách nghiêm ngặt ở đây.