Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường hàng hóa trong phiên thứ 3 liên tiếp và đẩy giá trị giao dịch toàn Sở lên mức 5.400 tỉ đồng, tăng hơn 10% so với phiên trước đó. Một phần không nhỏ dòng vốn đang được tái phân phối lại vào thị trường hàng hóa, sau khi các kênh tài chính khác như chứng khoán sụt giảm vào đầu tuần, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này ngày càng gia tăng.
Giá dầu tăng mạnh khi nguy cơ căng thẳng địa chính trị leo thang
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 3,63% lên 104,25 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 3,96% lên 108,78 USD/thùng.
Đà tăng bắt đầu ngay từ phiên sáng, khi thị trường nhận định căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ còn kéo dài, đặc biệt khi Mỹ và các nước Châu Âu gia tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine. Điều này phần nào có thể ảnh hưởng đến các hoạt động đàm phán ngoại giao, nhất là khi phía Nga cho biết thời gian thực hiện chiến dịch quân sự sẽ phụ thuộc vào “cường độ” của các hành động thù địch.
Các thông tin mới từ Trung Quốc cũng góp phần củng cố đà tăng của giá dầu. Theo hãng tin Caixin, Trung Quốc đang thí điểm rút ngắn thời gian cách ly ở 8 thành phố, qua đó tạo khả năng nước này sẽ nới lỏng phương thức chống dịch. Như vậy, có khả năng nước này sẽ vẫn tìm cách đảm bảo tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo các hoạt động sinh hoạt không bị ảnh hưởng quá nhiều, đặc biệt thời gian qua các biện pháp phong tỏa nặng nề tại Thượng Hải được cho là đã tạo ra nhiều bất cập.
Các diễn biến mới này đã khiến cho thị trường “bỏ qua” các cảnh báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA trong báo cáo tháng 04 hôm qua. IEA điều chỉnh dự báo nguồn cung giảm từ phía Nga trong tháng 4 ở mức 700.000 thùng/ngày, so với thời điểm tháng 3 tổ chức này đưa ra con số 3 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, cả 3 tổ chức lớn là IEA, EIA hay OPEC đều đã giảm dự báo tiêu thụ nhiên liệu trong năm 2022, là một tín hiệu tiêu cực trên thị trường.
Đà tăng của dầu chỉ tạm thời chững lại sau Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA cho thấy tồn kho dầu thương mại tăng rất mạnh 9,4 triệu thùng, so với dự đoán của thị trường chỉ ở mức 900.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ dầu trong tuần kết thúc 08/04 cũng giảm đáng kể 1 triệu thùng/ngày xuống 18,7 triệu thùng/ngày, so với tuần trước đó. Đáng chú ý, nhu cầu cũng giảm so 1,5 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, gợi ý nước Mỹ đang bước vào thời điểm giảm đi lại sớm hơn các năm.
Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường nguyên liệu công nghiệp
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 3,6% về mức 225 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 0,3% xuống còn 2.091 USD/tấn.
Đứng trước những lo ngại về lạm phát, giới đầu tư tiếp tục luân chuyển dòng tiền vào các tài sản mang tính trú ẩn an toàn như vàng và bạch kim. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ cà phê cũng đang bị suy yếu do người dân ở Mỹ và khu vực châu Âu đang phải ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng lương thực thiết yếu hơn, đặc biệt là trong bối cảnh giá nông sản vs nhiên liệu neo ở mức cao.
Đối với mặt hàng Robusta, mức giảm trong phiên hôm qua xuất phát từ áp lực bán mạnh trên thị trường Arabica. Theo các chuyên gia cà phê tại Italia, 2022 sẽ là 1 năm thử thách đối với các nhà sản xuất cà phê do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê Việt Nam cũng sụt giảm theo xu hướng của cà phê thế giới.
Đối với mặt hàng đường thô, giá đóng cửa giảm nhẹ 0,6% về mức 20,1 cents/pounds, bất chấp diễn biến tích cực của giá dầu thô. Tập đoàn công nghiệp UNICA cho biết, ép mía ở khu vực trung nam Brazil trong nửa sau của tháng 3 giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,2 triệu tấn. Thị trường dự kiến sẽ có khoảng 250.000 đến 300.000 tấn đường được được giao sau khi kết thúc hợp đồng kỳ hạn tháng 5.