Xuất khẩu rau quả giảm mạnh do tác động của COVID-19

Xuất khẩu hàng rau quả tháng 1/2020 giảm mạnh do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đặc biệt xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh còn do tác động của COVID-19.

Chú thích ảnh
Xe chở hàng nông sản của doanh nghiệp làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành (Lào Cai). Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 1/2020 đạt 280,79 triệu USD, giảm 20,6% so với tháng 1/2019. Xuất khẩu hàng rau quả tháng 1/2020 giảm mạnh do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đặc biệt xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh còn do tác động của COVID-19.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả quan trọng của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 64,8% tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2019. Tháng 1/2020, trong các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực, Trung Quốc là thị trường có tốc độ xuất khẩu giảm mạnh thứ 2, sau Hà Lan, đạt 173,5 triệu USD, giảm 32,4% so với tháng 1/2019.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm từ mức 72,6% trong tháng 1/2019, xuống còn 61,8% trong tháng 1/2020. Thông thường, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán rất sôi động, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm 2020, xuất khẩu trái cây Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do COVID-19 khiến các cửa khẩu biên giới tạm thời đóng cửa.

Trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó thì xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khác như: Thái Lan, Lào, Đài Loan và Nga tăng rất mạnh trong tháng 1/2020. 

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã khuyến cáo ngành hàng rau quả cần chủ động điều chỉnh trong hoạt động sản xuất, trước mắt làm tốt công tác bảo quản, giảm sản lượng trái vụ, quy hoạch lại vùng trồng, điển hình như trái thanh long (đây là loại trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lớn nhất).

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác, cần tăng sản lượng trái cây phù hợp với các tiêu chuẩn theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khác như: Hoa Kỳ, các thị trường trong khối EU, Nhật Bản, Úc...

Thực tế nông sản Việt Nam đã nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng thu mua. Để tránh thiệt hại cho người nông dân khi cung vượt cầu, cần có điều chỉnh quy mô ngành hàng và nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong đó, EU là một trong những thị trường tiềm năng khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được phê chuẩn.

Thu Trang/Báo Tin tức
Rà soát sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản
Rà soát sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản

Ngày 18/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát việc sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền phía Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN