Tăng tốc thu hồi nợ thuế giai đoạn chặng nước rút

Trong 11 tháng năm nay, ngành thuế thu được 28.111 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với số thu tại thời điểm ngày 30/9/2018.

Chú thích ảnh
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục hải quan Hà Nam Ninh. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Theo ông Đoàn Xuân Toản– Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế), tính đến ngày 30/11, tổng số tiền nợ thuế ngành đang quản lý là 79.069 tỷ đồng, giảm 3% so với nợ tại thời điểm ngày 31/10/2018 (nợ đến 31/10 là 81.555 tỷ đồng).

Trong đó, tiền nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày là 43.342 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54,8% tổng số tiền thuế nợ, giảm 6,3% so với thời điểm 31/10/2018; tiền nợ thuế của người nộp thuế (NNT) đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự giải thể, phá sản là 35.727 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thời điểm 31/10/2018 do bị tính tiền phạt chậm nộp 0,03% trên ngày.

Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã giao nhiệm vụ thu hồi nợ thuế cụ thể đến tất cả cục thuế các địa phương, với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm không để nợ thuế vượt quá 5% trên tổng thu ngân sách.

Theo đó, các địa phương đã tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi tiền nợ thuế như: Cưỡng chế tài khoản ngân hàng thu hồi tiền nợ; cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh… Nhờ vậy, các biện pháp thu nợ, tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu của nhiều địa phương đã giảm xuống dưới 5% so với tổng thu ngân sách như: Bắc Ninh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên… 

"Cùng với các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế, Tổng cục Thuế cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế cho người nộp thuế; đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế trong sản xuất kinh doanh, giải quyết kịp thời các khoản nợ xấu, xử lý nợ tiền chậm nộp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do khách quan. Điều này sẽ giúp người nộp thuế đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hiệu quả, từ đó giảm nợ đọng thuế", ông Đoàn Xuân Toản nói.

Từ nay tới hết năm, Tổng cục Thuế tiếp tục theo dõi, quản lý tốt tình hình kê khai, nộp thuế của người nộp thuế, qua đó, đôn đốc thu nộp kịp thời đầy đủ các khoản thu vào ngân sách; giám sát chặt chẽ các khoản nợ, phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ thuế của từng người nộp thuế để áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ phù hợp.

Đối với các khoản nợ thuế mới phát sinh, cơ quan thuế tổ chức đôn đốc thu ngay như: Gọi điện thoại, nhắn tin và gửi thư điện tử cho chủ doanh nghiệp, ban hành thông báo nợ thuế (TB 07/QLN) gửi đến người nộp thuế yêu cầu nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, không để nợ kéo dài gây khó khăn cho công tác thu nợ thuế.

Đồng thời, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế đối với những người nộp thuế nợ thuế trên 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế; tiếp tục thực hiện công khai thông tin doanh nghiệp, cá nhân chây ỳ, nợ thuế, không nộp thuế đúng hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương, địa phương và cổng thông tin của cơ quan thuế; thành lập các tổ liên ngành thu hồi nợ thuế; phối hợp với cơ quan tài nguyên môi trường để xử lý khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phối hợp với sở kế hoạch và đầu tư để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với người nộp chây ỳ nợ đọng thuế; phối hợp với cơ quan công an thực hiện cưỡng chế thu nợ đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, doanh nghiệp bỏ trốn, tẩu tán tài sản cố tình nợ thuế, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Minh Phương/Báo Tin tức
Kiểm toán Nhà nước vẫn đề nghị truy thu 575 tỷ đồng nợ thuế của Unilever
Kiểm toán Nhà nước vẫn đề nghị truy thu 575 tỷ đồng nợ thuế của Unilever

Trao đổi với báo giới ngày 6/12, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN