Không chỉ tăng giá bán ra với các mức tăng không đồng nhất, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đang để chênh lệch chiều mua - bán rất cao.
Bảng giá vàng giao dịch lúc 8h30 phút sáng 25/2 tại Công ty Bảo Tín Minh Châu. |
Thực tế ngay từ ngày 24/2, chênh lệch giá vàng ở hai chiều mua - bán đã được nới rộng. Vàng SJC giao dịch tại Bảo Tín Minh Châu hôm qua mua vào và bán ra chênh nhau 150.000 đồng/lượng; vàng Doji Hà Nội bán lẻ chênh nhau 720.000 đồng/lượng; giá SJC Hà Nội bán ra cao hơn giá mua vào tận 750.000 đồng/lượng.
Sáng 25/2, hầu hết doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh đều tăng giá bán vàng. Vàng SJC mua vào - bán ra tại Bảo Tín Minh Châu sáng nay là 36,8 - 37,6 triệu đồng/lượng (giảm 10.000 đồng/lượng mua vào nhưng bán ra tăng 640.000 đồng/lượng so với phiên chiều qua.
Vàng Rồng Thăng Long giao dịch ở mức 36,8 - 37,5 triệu đồng/lượng (mua vào bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng mua vào, tăng 230.000 đồng/lượng bán ra so với phiên chiều qua.
Dù sáng nay mưa nhưng vẫn rất đông người tới mua vàng. |
Giá vàng Doji Hà Nội bán lẻ sáng nay giao dịch tại 36,8 - 37,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 30.000 đồng/lượng mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên chiều qua.
Giá vàng miếng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết ở mức 36,8 - 37,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Vàng nhẫn giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua nhưng tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán so với ngày hôm qua.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong những năm gần đây, vào ngày vía Thần tài, giá vàng luôn có xu hướng tăng cao so với các ngày bình thường và biến động ngay trong ngày người dân đổ xô đi mua vàng cầu may. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra trong dịp này cũng thường xuyên được nới rộng. Tức là, giả định khách hàng mua vàng vào sau đó bán ra ngay sẽ lỗ lên đến vài trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng/lượng.
Một số khách hàng cho hay, dù biết giá vàng những ngày này sẽ tăng do nhu cầu đột biến nhưng do mua để lấy may nên hầu hết mọi người đều chấp nhận mức giá mà các đơn vị kinh doanh vàng đưa ra.