Thỏi vàng tại Ngân hàng Trung ương Đức tại Frankfurt am Main ngày 23/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vào lúc 1 giờ 53 phút sáng ngày 1/12 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.274,51 USD/ounce, sau khi có thời điểm rơi xuống 1.270,11 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 14/11. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 2/2018 giảm 9,5 USD (0,74%) xuống 1.276,7 USD/ounce.
Theo các chuyên gia, giá vàng chịu sức ép từ sự tăng giá của đồng USD theo sau số liệu về chi tiêu tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ. Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Janet Yellen, nhận định sức tăng trưởng của kinh tế Mỹ có thể cho phép tiếp tục triển khai các đợt nâng lãi suất, giữa lúc đà phục hồi của kinh tế toàn cầu được củng cố. Giá vàng luôn tỏ ra “nhạy cảm” với các đợt tăng lãi suất của Mỹ - nhân tố làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc trong phiên này có thời điểm giảm xuống 16,30 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 6/10. Trong khi đó, giá bạch kim tăng 0,6% lên 941,80 USD/ounce.
Trong phiên giao dịch ngày 30/11, giá dầu thế giới đi lên, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng một số nước sản xuất dầu khác nhất trí gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018.
Tại thị trường New York, giá thô dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2018 tăng 10 xu Mỹ lên 57,40 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao cùng kỳ cũng tăng 46 xu Mỹ lên 63,57 USD/thùng.
Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp và Khoáng sản của Saudi Arabia Khalid Al-Falih cho biết, 24 quốc gia trong và ngoài OPEC quyết định duy trì việc cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày đến ngày 31/12/2018. Quyết định trên không nằm ngoài tiên lượng của giới phân tích, cho dù trước cuộc họp Nga bày tỏ quan ngại về việc kéo dài thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ.
Một trong những lo ngại lớn nhất của OPEC là sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu trong nước đạt kỷ lục mới là 9,68 triệu thùng/ngày vào tuần trước. Hãng tư vấn Rystad Energy nhận định sản lượng của Mỹ sẽ đạt 9,9 triệu thùng/ngày trong tháng 12 tới, gần bằng mức của các nước sản xuất hàng đầu là Nga và Saudi Arabia.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ là một trong những nguyên nhân chủ chốt châm ngòi cho "vàng đen" rớt giá mạnh từ ngưỡng trên 100 USD/thùng hồi năm 2014. Tuy nhiên, kể từ sau khi giá dầu rớt xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng hồi đầu năm 2016, ngành dầu mỏ thế giới đã dần phục hồi, trong bối cảnh giá dầu ổn định trở lại.