Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, sau linh kiện điện tử và nguyên liệu thô, giá giày thể thao cũng có thể tăng vọt vì đại dịch COVID-19. Tất cả các mẫu mã đều bị ảnh hưởng, cho dù đó là giày chơi thể thao hay sneakers (giày thể thao thời trang), chẳng hạn mẫu Stan Smiths của Adidas, Air Max và Air Force One của Nike đang thịnh hành tại các đô thị lớn ở Mỹ và châu Âu.
Nhiều tuần qua, toàn bộ chuỗi cung ứng quốc tế đưa giày thể thao đến chân người tiêu dùng phương Tây đã bị ảnh hưởng vì đại dịch. “Mắt xích’’ đầu tiên bị suy yếu chính là cung cấp nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất giày. Chẳng hạn giá mặt hàng cao su, vốn rất cần cho đế giày và nhiều bộ phận khác cấu thành giày thể thao, đã tăng 25% trong thời gian ngắn do nhu cầu mạnh mẽ từ ngành công nghiệp sản xuất ô tô và dược phẩm. Tương tự, giá vải lanh, bông và polyester đã tăng hơn 30% trong 5 tháng qua.
Ngoài khó khăn về cung ứng nguyên liệu, bản thân hoạt động sản xuất cũng gặp khó khăn. Hơn 80% sản lượng giày dép thể thao tập trung ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á - nơi Việt Nam được coi là công xưởng sản xuất sneakers của thế giới. Đơn cử như Việt Nam sản xuất tới 50% số lượng giày của Nike trên thế giới, đồng thời cũng đã nhận nhiều khoản đầu tư sản xuất của cả Adidas và Puma. Hiện tại, Việt Nam đang trải qua làn sóng mới dịch COVID-19 khiến các xưởng sản xuất của Pou Yen Corp và Chang Shin, các nhà thầu phụ chủ chốt của Nike và Adidas, phải đóng cửa trong vài tuần. Dù có mở cửa trở lại, các xưởng sản xuất cũng chỉ đảm bảo một nửa công suất, nhiều công nhân nhiễm bệnh hoặc liên quan vẫn phải nghỉ việc. Điều này cũng đủ gây ra nguy cơ khan hàng trên thị trường Mỹ và châu Âu vào cuối năm nay.
Vấn đề trên đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực này. Trong thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây, để hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất giày thể thao, Hiệp hội quần áo và giày dép Mỹ đã yêu cầu chính quyền phải “ngay lập tức đẩy nhanh việc phân phối vaccine dư thừa của Mỹ cho Việt Nam và các nước đối tác quan trọng khác”, đặc biệt là Bangladesh – cũng là nhà xuất khẩu thiết bị thể thao lớn sang Mỹ.
Một vấn đề trục trặc khác nằm ở cuối chuỗi cung ứng khiến tình hình phức tạp là những khó khăn và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng vọt. Trong giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 2/2021, giá vận chuyển hàng hóa toàn cầu tăng gấp 4 lần và mức tăng này càng đè nặng lên các doanh nghiệp. Điều trớ trêu là nguồn cung yếu song nhu cầu lại tăng mạnh, đặc biệt trong một thị trường sneakers đang phát triển với giá trị ước tính vào khoảng 100 tỷ USD.
Hiện các nhà bán lẻ giày thể thao lớn vẫn có đủ hàng tồn kho để không phải tăng giá. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi một khi hàng trong kho đã bán hết thì nguy cơ thiếu hàng sẽ hiện hữu vào cuối năm - thời hạn phải bàn giao những đôi giày được sản xuất ở thời điểm hiện tại - nếu tình trạng đình trệ sản xuất hiện nay không được giải quyết.
Giới chuyên gia nhận định trong bối cảnh nguồn cung “đuối” trong khi nhu cầu vẫn rất mạnh, viễn cảnh tăng giá đang được dự báo, đặc biệt rõ ràng trên thị trường thứ cấp - nơi giày thể thao đã trở thành mặt hàng đầu cơ với những mức giá có thể lên đến hàng trăm và thậm chí hàng nghìn euro cho những loại hiếm nhất.
StockX, nổi tiếng ở Mỹ và châu Âu có chức năng như một sàn giao dịch giày thể thao trực tuyến, cho rằng tình hình hiện nay chắc chắn sẽ tác động đến giá cả của một số mẫu nhất định về dài hạn. Nhà kinh tế trưởng Jesse Einhorn của StockX cảnh báo: "Khi cung giảm và không đáp ứng được cầu, giá cả sẽ tăng vọt như đối với bất kỳ thị trường nào khác".