Trước mỗi mùa giải, điều quan tâm nhất của người hâm mộ chính là xem đội bóng nào là ứng cử viên cho chức vô địch. Với lực lượng mạnh, lối chơi ổn định, Hà Nội FC (Hà Nội T&T trước đây) và Than Quảng Ninh vẫn được đánh giá là hai ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch.
Thanh Hóa và Hà Nội FC được đánh giá là 2 ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Ảnh: TTXVN |
Đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm vừa đổi tên nhưng điều này không hề ảnh hưởng tới sức mạnh của đại diện của bóng đá Thủ đô này. Hà Nội FC sẽ yên tâm hơn khi đã chính thức được giao quản lý sân Hàng Đẫy.
Về mặt lực lượng, Hà Nội FC đang có trong tay đội hình lý tưởng, với sự kết hợp hoàn hảo giữa những cầu thủ kinh nghiệm như: Thành Lương, Văn Quyết, Văn Biển, Gonzalo, Victor, cùng lớp trẻ gồm những: Duy Mạnh, Ngọc Đức, Quang Hải, Văn Kiên, Hùng Dũng. Bên cạnh đó, đội bóng Thủ đô còn bổ sung thêm ngoại binh Moses Oloya.
Tuyển thủ người Uganda là một trong những tiền vệ trung tâm chất lượng hàng đầu V-League và từng có thời gian thử việc ở Atletico Madrid (Tây Ban Nha).
Trong cuộc đua vô địch, Than Quảng Ninh cũng là một ứng cử viên sáng giá. Đội bóng đất Mỏ chính là những người vừa đánh bại Hà Nội FC để giành Siêu cúp Quốc gia. Mùa trước, đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng đã có những thời điểm chơi rất thành công và tưởng như đã chạm tay vào chiếc cúp vô địch.
Tuy nhiên, sự hụt hơi ở giai đoạn cuối đã khiến đội chủ sân Cẩm Phả tụt lại và chỉ cán đích ở vị trí thứ 4. Mùa này, sức mạnh đội bóng đất Mỏ được tăng lên đáng kể với với sự bổ sung 3 tân binh chất lượng cao là Dương Thanh Hào, Nguyên Sa và Patyio.
Mùa này, có lẽ FLC Thanh Hóa là đội đầu tư mạnh mẽ nhất. Hàng loạt tân binh đã được ký hợp đồng như Uche, Đinh Tiến Thành, Nguyễn Trọng Hoàng cùng lực lượng cũ chất lượng, đội bóng xứ Thanh cho thấy sự quyết tâm của mình. Đáng chú ý là đội bóng này đã mời về HLV Ljupko Petrovic, người từng dẫn dắt Belgrade (Nam Tư cũ) vô địch Cúp C1 năm 1991. Vị thuyền trưởng người Serbia hứa hẹn sẽ thổi vào FLC Thanh Hóa một luồng sinh khí mới, đem đến sự bùng nổ.
Đầu tư rầm rộ nhất trước giờ bóng lăn, điều đó cho thấy tham vọng giành ngôi vô địch của đội bóng xứ Thanh vẫn lớn, tuy nhiên Thanh Hoá có đủ sức đi đến cùng đường đua hay không vẫn phụ thuộc vào thái độ của các đội bóng trong tay bầu Hiển. Về danh nghĩa, hàng loạt đội của bầu Hiển đã đổi tên, nhưng ảnh hưởng của ông bầu này đến nhóm 4 đội Hà Nội FC, Quảng Nam, Sài Gòn FC, SHB Đà Nẵng ở mức nào thì những người điều hành giải đấu khó mà biết chắc được. Chưa kể Than Quảng Ninh cũng có cổ phần của ngân hàng SHB của bầu Hiển.
V-League 2017 vẫn sẽ có 14 đội giống năm ngoái, nhưng số đội xuống hạng giờ chỉ còn là 1 (năm ngoái là 1,5), không còn trận play-off giữ hạng/chuyển hạng giữa đội đứng áp chót V-League với đội thuộc hạng Nhất.
Mùa giải vừa qua, cuộc đua trụ hạng tại giải vô địch quốc gia ngã ngũ rất sớm, với suất xuống hạng thuộc về Đồng Tháp và suất đá play-off dành cho Long An. Năm nay, khi số suất xuống hạng giảm đi, cuộc đua này có khi còn có khả năng ngã ngũ sớm hơn.
Chuyện trọng tài cũng là vấn đề rất đáng lo ở mùa giải đấu năm nay. Sự vắng mặt của nhiều trọng có kinh nghiệm mà lại chưa có sự thay thế xứng đáng khiến cho các đội lo ngại tiếng còi của các ông vua trẻ sẽ dễ bị “méo”. V-League ngày càng khốc liệt nếu nhưng “ông vua áo đen” không đủ bản lĩnh sẽ dễ làm cho trận đấu đổ vỡ.
Vấn đề chống tiêu cực trong thi đấu vẫn là nỗi lo lớn, đặc biệt là giai đoạn cuối mùa giải, khi giải đấu đến thời điểm quyết định. Chuyện “liên minh tay ba, tay tư” cho điểm để kéo nhau cùng tiến là bài toán khó cho VFF.
Lịch thi đấu vòng 1 V-League 2017:
SHB Đà Nẵng - HAGL (17h, ngày 7/1)
XSKT Cần Thơ - Long An (17h, ngày 7/1)
Hà Nội FC - Than Quảng Ninh (17h30, ngày 7/1)
FLC Thanh Hóa - SLNA (16h, ngày 8/1)
Hải Phòng - Sài Gòn (17h, ngày 8/1)
TP Hồ Chí Minh - Quảng Nam (17h30, ngày 8/1)
B.Bình Dương - Sanna Khánh Hòa (18h, ngày 8/1)