Hà Nội T&T trở thành “tài sản chung” của Hà Nội
Phát biểu tại buổi lễ Gala kỷ niệm 10 năm thành lập CLB bóng đá Hà Nội T&T diễn ra tối 20/12, ông Nguyễn Quốc Hội - Chủ tịch CLB nói: “Bắt đầu từ mùa giải 2017, đội bóng sẽ đổi tên thành CLB Hà Nội (HaNoi FC). Việc này là để tiếp cận một cách gần gũi nhất với CĐV bóng đá Thủ đô, trở thành tài sản chung, được người dân Hà Nội cùng nâng niu, trân trọng và xây dựng”.
Động thái này có vẻ như là một cách phản ứng của “các đội bóng nhà bầu Hiển” sau khi phía Công ty VPF có báo cáo gây sức ép về việc “một ông bầu, nhiều đội bóng”. Khi không còn tên của doanh nghiệp đứng trước tên CLB, thì khó có thể “quy tội” bầu Hiển trong việc tài trợ để chi phối các đội bóng.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T - cho biết, dù T&T không gắn tên vào đội bóng nữa nhưng ông cam kết đơn vị này sẽ tiếp tục là nhà tài trợ chính cho CLB Hà Nội trong thời gian tới.
Việc bỏ cái tên đứng trước CLB chẳng gây khó gì cho bầu Hiển, bởi bóng đá Việt Nam hiện không còn đem lại hiệu quả tốt cho việc ghép tên chung. Việc này còn giúp cho CLB thu hút được hợp đồng tài trợ tốt hơn.
Từ mùa giải 2017, Hà Nội T&T sẽ mang tên CLB Hà Nội. |
Tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, CLB Hà Nội giới thiệu các nhà tài trợ đồng hành trong mùa bóng 2017 là: Tập đoàn T&T, Hanaka, Tân Hoàng Minh, Tân Á Đại Thành, Kappa Hoàng Phúc, Cảng Quảng Ninh, Dệt kim Đông Xuân...
Cái tên để nhớ
Các đội bóng đều thể hiện nét đặc trưng và mang tên đơn vị của mình. Dù thế, nhiều đơn vị vẫn phải ghép tên đội bóng với nhà tài trợ trong thời cuộc “cơm áo, gạo tiền”. Nhưng khi khán giả còn chưa quen và chưa biết nhiều về đội bóng đó, họ đã đổi tên. Trong bóng đá Việt Nam, rất nhiều đội bóng đã phải thay đổi phiên hiệu.
Cuối mùa giải 2003, Tổng công ty Hàng không Việt Nam rút không tài trợ cho đội Hàng không Việt Nam. LG.ACB Hà Nội (đội phải xuống hạng nhất) đã đứng ra nhận tiếp quản đội Hàng không Việt Nam và sáp nhập với đội bóng này để ở lại V-League 2004.
Kết thúc giải hạng Nhì 2006, CLB bóng đá Ninh Bình đã tiếp nhận đội Sơn Đồng Tâm Long An, cùng với đó là suất thi đấu ở giải hạng nhất quốc gia Việt Nam 2007 của đội bóng này. Từ mùa bóng 2007, đội thi đấu với tên gọi CLB Xi măng Vinakansai Ninh Bình. Đầu năm 2009, đội chuyển sang sử dụng tên thi đấu chính thức là CLB bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình.
Tại V-League 2009, đội bóng Thanh Hóa chuyển xuống chơi giải hạng Nhất. Trước thềm mùa giải mới, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quyết định mua lại toàn bộ đội bóng đá Thể Công Viettel, sau khi Viettel chính thức cắt tài trợ với đội bóng Thể Công. Thanh Hóa cũng trở lại V-League 2010 bằng suất thi đấu của đội bóng quân đội.
Tháng 7/2009, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng Nam Việt (Navibank) đã mua lại đội bóng Quân khu 4 và đổi tên đội bóng quân đội này thành CLB Navibank SG và đại diện cho TP Hồ Chí Minh trở lại sân chơi chuyên nghiệp.
Mùa bóng 2010, CLB bóng đá Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh đã mua lại suất thi đấu ở giải hạng Nhất 2011 của Hòa Phát V&V vừa được thăng hạng. Tháng 10/2010, CLB này chuyển trụ sở vào TP Hồ Chí Minh và đổi tên mới là CLB bóng đá Sài Gòn Xuân Thành để thi đấu ở giải hạng Nhất Quốc gia 2011. Đội bóng này sau đó cũng trải qua 3 lần đổi tên nữa.
Đầu mùa giải 2012 sau khi Hòa Phát Hà Nội tuyên bố bỏ bóng đá, HN.ACB mua lại đội bóng này rồi sáp nhập cùng HN.ACB (vừa xuống hạng) để thành CLB Bóng đá Hà Nội dự V-League nhờ suất của Hòa Phát Hà Nội.
Kết thúc V-League 2012, Vicem Hải Phòng phải xuống hạng, nhưng chỉ 2 ngày trước thời hạn chót đăng ký tham dự mùa bóng 2013 (8/12), Hải Phòng đã hoàn tất thương vụ mua lại suất chơi V-League 2013 từ Khatoco Khánh Hòa và đội bóng chính thức được đăng ký tên mới Xi măng Vicem Hải Phòng từ V-League 2013.
Bóng đá đang đẩy mạnh xu hướng để doanh nghiệp trực tiếp quản lý luôn thay vì song hành tài trợ. Trong cơ chế doanh nghiệp phải theo ông chủ, nếu ông chủ cũ thích rồi nghỉ mà ông chủ mới lên không thích thì rất dễ bị giải tán nhanh gọn.