Thể thao Việt Nam phòng chống doping tại Olympic 2012: Vẫn chưa thể chủ động

Chỉ còn vài ngày nữa Olympic Luân Đôn 2012 sẽ bắt đầu khởi tranh. Thể thao Việt Nam (TTVN) lại đang đứng trước nỗi lo về vấn đề doping. Dù đã có kế hoạch chuẩn bị, rút kinh nghiệm, nhưng những người làm quản lý thể thao vẫn tỏ ra lúng túng trước vấn đề này.

 

Đối với bất cứ quốc gia nào tham dự các giải quốc tế lớn, công tác kiểm tra doping luôn được coi trọng hàng đầu. Ngoài vấn đề phạm luật thi đấu dẫn đến bị cấm thi đấu có thời hạn, hoặc vĩnh viễn, thì việc 1 VĐV bị “dính” doping còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự quốc gia. Với TTVN, việc VĐV bị dính doping tại các kỳ đại hội thể thao lớn đã có tiền lệ, bởi vậy trước thềm Olympic lần này, công tác phòng chống và kiểm tra doping được làm rất chặt chẽ, nhưng vẫn chẳng có ai đảm bảo 100% các VĐV tránh được doping. Đơn giản bởi sự hiểu biết của chính các HLV, VĐV Việt Nam với các chất cấm cũng rất mù mờ bởi họ chưa được trang bị kiến thức, cũng như Việt Nam chưa có các trung tâm kiểm tra doping định kỳ trong nước.


Phần lớn việc “dính” chất cấm của các VĐV Việt Nam đều từ sự thiếu hiểu biết và nguy hiểm hơn là sự thiếu chuyên nghiệp trong cách ăn uống hàng ngày. Bài học “xương máu” của TTVN là trường hợp VĐV TDDC Ngân Thương bị kết luận là có sử dụng chất kích thích tại Olympic Bắc Kinh. Thực tế thì ngày đó, Ngân Thương đã uống thuốc lợi tiểu với mong muốn giảm cân, mà không biết trong thành phần của thuốc có chất cấm. Các kết luận của BTC khi đó cũng cho biết, những chất cấm này không có tác dụng cho các nhóm cơ để nâng cao thành tích. Thế nhưng Ngân Thương vẫn bị cấm thi đấu 2 năm. Hay trường hợp của Á quân Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) bị kết luận dính doping tại giải cử tạ vô địch thế giới năm 2009, cũng từ nguyên nhân trên. Tuấn giải thích, anh đã tự ý mua đồ uống có ga ở bên ngoài khu tập luyện, nên có thể bị “dính” qua nguồn này.Tuấn đã bị cấm thi đấu 2 năm, và đến giờ vẫn chưa thể trở lại.


Gần đây, ngành thể thao đã có kế hoạch xây dựng trung tâm kiểm tra doping với kinh phí được xác định gần 80 tỷ đồng tại Hà Nội. Mục đích nhằm tăng khả năng xét nghiệm các mẫu thử trong nước và cả quốc tế. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên trung tâm vẫn chưa thể hoàn thành. Không có trung tâm kiểm tra định kỳ, chúng ta vẫn phải trông chờ vào ý thức và sự hiểu biết của VĐV là chính, nên nguy cơ dính doping vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.


Olympic lần này TTVN có 18 VĐV tham dự. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Lâm Quang Thành cho biết, trước khi tham dự Olympic Luân Đôn, hầu hết VĐV trọng điểm của Việt Nam đều được thử doping theo yêu cầu của Hiệp hội chống doping thế giới (WADA). Kết quả xét nghiệm này sẽ được WADA công bố trước khi các VĐV tham gia thi đấu tại Olympic. Như vậy, một lần nữa, TTVN lại phải chờ đến sự kiểm tra của WADA, thay vì tự mình làm. Và nếu không may lại một vài trường hợp “vô tình” dính doping, thì các VĐV vốn đã rất khó khăn để có vé đến Olympic, sẽ lại bị loại ngay trước khi vào cuộc!


Thanh Lâm

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN