Mục tiêu lớn nhất của thể thao nước nhà trong năm 2012 chính là Thế vận hội Olympic. Nhiệm vụ của thể thao Việt Nam (TTVN) là phải giành trên 10 tấm vé, đồng thời trông chờ vào những suất đặc cách. Đó không phải là nhiệm vụ đơn giản và ngay từ bây giờ, TTVN cần phải dồn toàn lực cho sân chơi số 1 hành tinh này.
Sức bật từ SEA Games
Một kỳ SEA Games tương đối “thành công” với TTVN. Thế nhưng, chúng ta đã quá nhiều lần thành công như vậy, thậm chí còn hơn thế nữa. Điều đáng nói là sau thành công này, những nhà quản lý của thể thao nước nhà có chiến lược nào để đưa TTVN bứt ra khỏi tầm khu vực? Đó thực sự là một bài toán nan giải. Cứ nhìn vào thành tích ấn tượng xếp thứ 2 toàn đoàn (chỉ kém Thái Lan đúng 3 HCV) tại SEA Games 25, nhưng ngay sau đó tại sân chơi ASIAD 16, TTVN lại thất bại nặng nề, khi chỉ giành được duy nhất 1 chiếc HCV của Lê Bích Phương ở môn karate.
VĐV bơi lội Hoàng Quý Phước giành 2 HCV tại SEA Games 26, phá kỷ lục Đông Nam Á ở nội dung bơi bướm, đạt chuẩn tham dự Olympic London 2012. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN |
Quả thực, từ SEA Games hay thậm chí là cả ASIAD đến Olympic luôn là một chặng đường dài nhiều gian nan, thử thách, không dễ để biến giấc mơ thành hiện thực. Một kế hoạch dài hơi nhằm phát triển TTVN 2010-2020 đã được ra đời cuối năm 2010. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ đưa TTVN thành công hơn nữa trên đấu trường quốc tế bằng những hành động rất cụ thể. Bản chiến lược chủ yếu là việc xác định hướng đi của các môn thể thao thành tích cao và được xác định là bước chuyển mang tính căn bản cho TTVN trong định hướng phát triển của mình. Theo đó, SEA Games sẽ không còn là đấu trường quốc tế quan trọng nhất với TTVN nữa, mà cần phải hướng cái đích ra xa hơn là ASIAD hay Olympic. SEA Games giờ đây chỉ được xác định như một bàn đạp để tấn công ASIAD, Olympic. Thế nhưng, có một thực tế là chiến lược phát triển TTVN luôn chỉ là lý thuyết. còn thực hiện thành công nó hay không lại là một vấn đề khác. Ở mỗi nhiệm kỳ, ai cũng biết SEA Games vẫn là sân chơi dễ đạt thành tích nhất. Làm thế nào để thoát khỏi “ao làng” khu vực để tập trung cho Olympic, có lẽ câu hỏi này vẫn còn hỏi rất nhiều lần nữa.
Đi khó, về dễ
TTK kiêm Phó Chủ tịch UB Olympic Hoàng Vĩnh Giang thừa nhận: “Trong bối cảnh chúng ta đã mất Hoàng Anh Tuấn vì án kỷ luật, wushu cũng không được đưa vào chương trình thi đấu, TTVN chỉ dừng lại ở mức hy vọng mà thôi, dù chúng ta đã có những điểm sáng ở những môn Olympic”.
Ngành TDTT mạnh dạn đặt mục tiêu góp mặt khoảng 30 VĐV lọt qua vòng loại Olympic 2012. Thế nhưng, dường như những tính toán của những nhà quản lý có vẻ khá chủ quan mà không lường được hết rủi ro, chưa lượng được sức mình.
Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới có 6 vé chính thức tới Luân Đôn ở những môn: Bơi, TDDC, teakwondo, judo và cầu lông. Ở các môn khác, điền kinh chúng ta khả năng có vé lọt qua vòng loại Olympic của Trương Thanh Hằng. Thế nhưng, cơ hội giành vé cứ thu hẹp dần. Chúng ta vẫn còn đó những gương mặt ở bơi lội, bóng bàn, bắn súng, vật nữ... Ngoài ra còn một vài gương mặt khác ở taekwondo, judo, TDDC, cử tạ... nhưng tất cả vẫn đang trầy trật tìm kiếm tấm vé vượt qua vòng loại, chứ nghĩ gì tới việc giành huy chương tại Thế vận hội. Chỉ còn khoảng 7 tháng nữa để đạt cột mốc 30 VĐV lọt qua vòng loại, không hề đơn giản.
Nói như vậy không có nghĩa TTVN không có hy vọng. Vấn đề còn lại, chính là việc ngành thể thao phải có những động thái cụ thể hơn, sau khi thấy được tín hiệu tích cực của các VĐV trẻ ở những môn Olympic. Sau SEA Games 26, một loạt kế hoạch đầu tư cho các đội tuyển đang có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Những VĐV nằm trong diện tập trung cho Olympic đều được “khoanh vùng”. Chưa bao giờ TTVN hướng tới sân chơi lớn nhất hành tinh với sự quyết tâm, khẩn trương và tự tin đến thế. TTVN luôn cho thấy sự sẵn sàng, nhưng cứ khi “lâm trận” lại gặp vướng mắc. Đơn giản bởi, chúng ta không có sự phát triển đồng bộ như các nước bạn.
Đấu trường Olympic luôn đi khó, về dễ với TTVN. Chung quy cũng bởi, nhiều năm qua, TTVN vẫn chưa xác định một cách chính xác, đâu là thế mạnh thực sự đủ tranh chấp huy chương ở sân chơi Olympic. Rồi cũng từ đó, xây dựng lên một hệ thống đào tạo, huấn luyện phù hợp, khoa học để duy trì thế mạnh ấy.
Hy vọng với nhiều bài học trong quá khứ, những thành công vừa đạt được, TTVN sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ hướng tới kỳ Thế vận hội lần này.
ANH CHI