Buổi sáng, đoàn đã tới thăm đội tuyển bơi đang tập trung tại thành phố Semarang. Theo HLV Nguyễn Đăng Viễn, đây là môn thi xa địa điểm trung tâm nhất (cách 100 km) và được nước chủ nhà dành các điều kiện ăn, ở tốt nhất. Tuy nhiên, bể bơi diễn ra các cuộc thi đấu nằm cách khá xa nơi ở, chưa thuận tiện cho việc di chuyển của các VĐV.
Buổi chiều, đoàn đã ghé thăm, động viên và kiểm tra nơi ăn, ở và tập luyện của các đội cầu lông, cờ vua và cử tạ. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Nguyễn Hồng Minh đã biểu dương tinh thần vượt khó của các VĐV, HLV, đặc biệt là công tác di chuyển, ăn ở và luyện tập; đồng thời nhắc nhở các đội phải đảm bảo sức khỏe, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại Indonesia.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Paralympic Việt Nam Huỳnh Vĩnh Ái đã động viên và nhắc nhở các VĐV tập trung thi đấu với tinh thần cao nhất, phấn đấu vượt qua chính mình để giành thành tích tốt nhất cho bản thân và Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Theo đánh giá chung, công tác ăn, ở và tập luyện của các đội đều đảm bảo. Công tác khám phân loại thương tật đến thời điểm này diễn ra suôn sẻ và đúng phân hạng từ trong nước. Ngày mai, các đội sẽ tham gia xét nghiệm COVID-19 và tiếp tục tập luyện cũng như khám phân loại thương tật theo bố trí của Ban tổ chức.
ASEAN Para Game 11 sẽ diễn ra từ ngày 30/7 - 6/8 tại thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java của Indonesia. Có 1.648 VĐV tham gia tranh tài ở 907 nội dung của 14 môn thể thao. Các nội dung thi đấu được tổ chức ở 3 địa điểm gồm thành phố Surakarta, huyện Karanganyar và thành phố Semarang.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam với 153 thành viên, trong đó có 120 vận động viên, tham gia tranh tài ở 8/14 môn (gồm điền kinh, bơi, cử tạ, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, judo, bắn cung) và phấn đấu góp mặt trong nhóm dẫn đầu Đại hội với chỉ tiêu thành tích đề ra là 35 - 40 huy chương vàng.