SEA Games 31: Những cặp anh chị em nổi tiếng

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) đang diễn ra tại Việt Nam chứng kiến không ít những vận động viên (VĐV) là anh chị em ruột cùng nhau thi đấu và giành được thành công.

Ba chị em nhà Quah (Singapore, môn Bơi)

Chú thích ảnh
Niềm vui của VĐV Singapore Jing Wen Quah khi đạt HCV và phá kỷ lục SEA Games nội dung 200m bơi bướm nữ với thành tích 2 phút 09 giây 52. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tại SEA Games 31, ba chị em nhà Quah đã thi đấu vô cùng ấn tượng, đem lại thành công cho đội tuyển bơi Singapore. Nổi bật nhất là cô em út Quah Jing Wen với tấm Huy chương Vàng (HCV) ở nội dung 200m bơi bướm. Ở nội dung này, Quah Jing Wen cán đích với thành tích 2 phút 9,52 giây, phá kỷ lục SEA Games do chính cô thiết lập vào năm 2019. Chưa hết, "kình ngư" này còn có riêng cho mình cú đúp HCV với chiến thắng ở chung kết 200m hỗn hợp, với thời gian 2 phút 15,98 giây.

Chị gái của Jing Wen là Ting Wen cũng tiếp tục thống trị ở nội dung 100m hỗn hợp nữ, cán đích ở 55,60 giây để giành HCV. Đây là HCV thứ 23 của cô tại SEA Games kể từ lần đầu ra mắt tại giải đấu năm 2007 ở Nakhon Ratchasima. Em trai của Jing Wen là Zheng Wen giành HCV thứ 4 cho nhà Quah ở nội dung 100m bơi ngửa, với thời gian 54,83 giây.

Ba chị em nhà Quah luôn là niềm hy vọng giành HCV của bơi lội Singapore ở mỗi kỳ SEA Games. Tại SEA Games 30 tổ chức ở Philippines, 3 chị em giành tổng cộng 16 HCV, chiếm đa số trong tổng số 23 HCV của đội tuyển bơi Singapore. Trong đó, cô chị Quah Ting Wen mang về 6 HCV, nam "kình ngư" Quah Zheng Wen đoạt 6 HCV, còn cô em út Quah Jing Wen cũng giành 4 HCV.
    
Chị em nhà Richarlison (Philippines, môn Điền kinh)

SEA Games 31 là một kỳ đại hội đặc biệt với Kyla Richardson. Nữ VĐV điền kinh mang hai dòng máu Mỹ - Philippines được gọi vào đội tuyển điền kinh tham dự giải đấu thay thế cho Kristina Knott bị chấn thương. Nhưng những gì Kyla làm được đã gây bất ngờ cho người hâm mộ Philippines.

Ở nội dung 200m nữ, Kyla đã thi đấu ấn tượng, về đích với thành tích 23,560 giây, kém Veronica Shanti Pereira của Singapore - người đã giành HCV với thời gian thi đấu 23,520 - để giành Huy chương Bạc (HCB). Cùng đường chạy, chị gái của Kyla là Kayla, cán đích với thành tích 23,870 giây, giành Huy chương Đồng (HCĐ).

Ngoài nội dung cá nhân, hai chị em nhà Richarlison còn là thành viên trong đội tiếp sức nội dung 4x100m, cùng với hai đồng đội khác là Robyn Brown và Eloisa Luzon.

Cặp song sinh Ong Sze En và Ong Rei En (Singapore, môn Nhảy cầu)

Cặp song sinh Ong Sze En và Ong Rei En đã kết thúc nội dung thi tại SEA Games 31 với tấm HCB môn nhảy cầu. Thi đấu tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, bộ đôi VĐV 18 tuổi người Singapore đứng thứ hai với 225,42 điểm, xếp sau cặp VĐV Pandelela Rinong - Nur Dhabitah của Malaysia. Thành tích của cặp song sinh Ong Sze En và Ong Rei En đã góp phần giúp đội nhảy cầu Singapore xếp thứ nhì toàn đoàn, sau Malaysia - đoàn giành 8 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ.

Anh em nhà Ravena (Philippines, môn Bóng rổ)

Kiefer Ravena từng là trụ cột của đội tuyển bóng rổ Philippines ở các kỳ SEA Games 2011, 2013, 2015, 2017 và 2019. Đây đều là các kỳ SEA Games mà Kiefer Ravena giành HCV. Cho đến nay, anh vẫn đang giữ kỷ lục là VĐV giành được nhiều HCV nhất tại SEA Games cho thể thao Philippines. Tuy vẫn còn ở đỉnh cao phong độ, nhưng Kiefer Ravena đã vấp phải sự cạnh tranh lớn từ dàn sao trẻ đang lên. Ở SEA Games 31, Kiefer Ravena chỉ được gọi vào đội tuyển khi Jayson Castro bị chấn thương. Điều này mang đến cho Kiefer Ravena cơ hội được sát cánh bên cạnh người em trai Thirdy Ravena. “Tôi rất tự hào khi được trao cơ hội chơi tại SEA Games một lần nữa. Đó là lý do tôi trở về quê nhà, sát cánh cùng em trai tôi trong đội tuyển quốc gia”, Kiefer Ravena đã chia sẻ như vậy trước khi tới Việt Nam để tranh tài.

Trương Thảo Vy và Trương Thảo My (Việt Nam, môn Bóng rổ)

Chị em sinh đôi họ Trương là Trương Thảo My (Kayleigh Trương - số áo 11) và Trương Thảo Vy (Kaylynne Trương - số áo 14) hiện đang sinh sống ở nước ngoài nhưng đã về nước để cống hiến cho đội tuyển bóng rổ quốc gia tại SEA Games 31. Thảo My và Thảo Vy sinh ra và lớn lên tại Houston, Texas (Mỹ), có bố là người Việt còn mẹ mang hai dòng máu Việt - Mỹ. Hiện, hai chị em nhà họ Trương cùng thi đấu ở vị trí hậu vệ cho đội bóng rổ của trường tại NCAA Women Division 1 (cấp độ cao nhất của bóng rổ đại học/ cao đẳng tại Mỹ).

Tại SEA Games 31, hai chị em nhà họ Trương có tên thi đấu ở cả 2 thể thức 3x3 và 5x5 và được kỳ vọng sẽ cùng đồng đội làm nên lịch sử. Không phụ sự kỳ vọng, ngày 14/5 vừa qua, các cô gái tuyển bóng rổ đã giành HCB ở nội dung 3x3. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam mang về thành tích ở sân chơi khu vực.

Khánh Đan (TTXVN)
Lịch thi đấu bán kết SEA Games 31 của tuyển U23 Việt Nam
Lịch thi đấu bán kết SEA Games 31 của tuyển U23 Việt Nam

Sau khi vòng bảng kết thúc, môn bóng đá nam SEA Games 31 đã xác định được hai cặp đấu bán kết là U23 Việt Nam (nhất bảng A) đụng độ Malaysia (nhì bảng bảng B) và U23 Thái Lan (nhất bảng B) gặp Indonesia (nhì bảng A).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN