“Người mẹ” của những vận động viên khuyết tật

Đã bao ngày, bước chân của HLV môn bơi lội Nguyễn Thị Hồng Vân in dấu trên mảnh đất đầy nắng gió Quảng Trị, tìm đến với những em nhỏ tật nguyền, động viên, khuyến khích các em vươn lên hòa nhập cuộc sống và khẳng định mình trên đường đua xanh…

HLV Hồng Vân chia sẻ khoảnh khắc vinh quang với “các con” tại ASEAN Para Games VII.

Tốt nghiệp trường Trung cấp Thể dục thể thao Đà Nẵng, HLV Hồng Vân (sinh năm 1962) trở về quê hương Quảng Trị, góp sức vào hoạt động thể dục thể thao của tỉnh nhà.


Năm 1997, bà được giao nhiệm vụ tuyển chọn và huấn luyện VĐV khuyết tật tham dự Hội thi thể thao - văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức tại Quảng Trị. Ngay từ lần đầu tiên ấy, các học trò của bà như: Hồ Thị Huế, Nguyễn Văn Do, Lê Văn Ánh... đều giành thành tích xuất sắc. Cái tên Hồng Vân bắt đầu gắn liền với thể thao người khuyết tật Quảng Trị từ đó, giúp những người khuyết tật đến với thể thao, giúp họ có sức khỏe và nghị lực trong cuộc sống. Đó cũng là lúc HLV Hồng Vân bắt đầu hành trình chia sẻ, vun đắp ước mơ cho những đứa trẻ tật nguyền ở nhiều miền quê nghèo của tỉnh Quảng Trị. Mỗi “đứa con” của bà là một hoàn cảnh đặc biệt, nhưng đều có chung số phận kém may mắn và gia cảnh vô cùng khó khăn. Nhưng để đón được một “đứa con” như vậy cũng không hề dễ dàng, bởi bản thân các em bị tật nguyền nên rất tự ti và không dám bước ra khỏi gia đình, rồi cha mẹ các em cũng không muốn con cái rời xa vòng tay của mình. Những lúc như thế, bà phải mất ròng vài tuần làm công tác tư tưởng đối với cha mẹ các em.


Mỗi lần mang một “đứa con” tật nguyền về sống chung với gia đình mình, HLV Hồng Vân lại nghe không ít hàng xóm xì xào bàn tán, thậm chí có người còn nói bà là “dở hơi”. Nhưng bà đều bỏ ngoài tai. Điều quan trọng đối với bà là được gia đình ủng hộ, để bà yên tâm nuôi dạy những “đứa con” tàn tật. Dù phải chi tiêu tằn tiện, nhưng bà vẫn không từ bỏ khát vọng nâng đỡ những số phận kém may mắn này. Những bữa cơm đạm bạc hằng ngày vì thế vẫn tràn ngập niềm vui. Bà càng hạnh phúc hơn khi được lũ trẻ trìu mến gọi bằng hai tiếng “mẹ Vân”.


“Đứa con” đầu tiên của bà là Lê Thị Dung. Dung bị liệt một chân. Khi HLV Hồng Vân nhận Dung về nuôi dưỡng, em hoàn toàn chưa biết bơi. Đối với em, bơi là một điều kỳ lạ và nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ biết bơi. Vậy mà bằng ý chí, nghị lực phi thường và sự tận tình của mẹ Vân, Dung sau đó đã giành thành tích xuất sắc tại ASEAN Para Games III (Philippines 2005), với 4 HCV, trong đó có 3 HCV cá nhân ở các cự ly 50 m, 100 m, 200 m hạng thương tật S10.


Kỳ tích của Dung là ngọn lửa tiếp nối cho lứa VĐV đàn em trong hành trình khẳng định chân lý “Tàn nhưng không phế”. Trong vòng tay nâng đỡ ấm áp của mẹ Vân, những “đứa con” tuổi còn rất trẻ và đầy triển vọng đã và đang nỗ lực hết mình để không phụ công lao của bà, như: Trương Quang Gôn, Nguyễn Thị Diệu Hà… Các em đã đạt thành tích xuất sắc tại Đại hội thể thao người khuyết tật trẻ châu Á (Maylaysia 2013), ASEAN Para Games VII (Myanmar 2014).


Hồi tưởng lại hành trình gian nan lúc ban đầu của mình, HLV Hồng Vân kể: “Dòng sông Thạch Hãn và sông Hiếu là những nơi mà cô trò từng tập luyện. Có VĐV khuyết tật bị bại liệt, nhưng đến cái xe lăn cũng không có mà đi, nên hằng ngày, cô trò phải chở nhau hàng km bằng xe đạp ra sông tập bơi. Đúng là trời thương, chứ nhiều khi cho bọn trẻ tập trên sông vào mùa nước nổi, chẳng biết chỗ nào nông, chỗ nào sâu, có lúc đang tập bị dòng nước xoáy cuốn đi ra giữa dòng, cố gắng lắm mới vào được vào đến bờ… Bây giờ đã có bể bơi tập luyện, nên công việc đỡ vất vả hơn xưa rất nhiều”.


Khi mỗi “đứa con” trưởng thành, HLV Hồng Vân lại nghĩ đến tương lai dài lâu của chúng: Bà cho các con được học nghề để có một việc làm với nguồn thu nhập ổn định. Lê Thị Dung hiện làm cho một công ty nước ngoài, Trần Văn Thông là cán bộ phường, Trần Văn Diệu làm chủ một xưởng mộc… Và rồi như “con đò”, bà lại quay vòng để bắt đầu một hành trình mới, với bao nỗi gian nan, gập ghềnh phía trước.


Cho đi mà không hề mong nhận lại, mong mỏi lớn nhất của “Mẹ Vân” vào thời điểm này là: “Nếu những VĐV khuyết tật của địa phương có một sự hỗ trợ đều đặn về chế độ, chính sách, thì điều đó sẽ khiến cho các VĐV khuyết tật trẻ tiềm năng an tâm hơn để bước chân vào nghề”.


Bài và ảnh: Dũng Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN