Nền tảng cho xe đạp lòng chảo ở Việt Nam

Ngày 2/9, một huấn luyện viên và hai vận động viên xe đạp Việt Nam đã lên đường sang Hàn Quốc, tham dự chương trình đào tạo VĐV xe đạp lòng chảo, do nước bạn tài trợ, hướng tới việc phát triển môn đua xe đạp lòng chảo tại Việt Nam.


Cơ hội cho hơn 400 VĐV


Hai VĐV đều của Hà Nội là Nguyễn Tiến Cương (sinh năm 1993) và Lê Anh Dũng (1992), cùng với HLV Trần Văn Hài (1989). Khóa đào tạo sẽ kéo dài 1,5 tháng (đến ngày 17/10), diễn ra tại Trung tâm huấn luyện đua xe đạp lòng chảo của Tổ chức phát triển thể thao Hàn Quốc (KSPO) và sân đua xe đạp lòng chảo Yang Yang. Kinh phí cho khóa đào tạo này là khoảng 321 triệu đồng (15.300 USD), do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, KSPO, Công ty Vietnam Sports Platform (VSP), Ủy ban Olympic Hàn Quốc và Liên đoàn Xe đạp Hàn Quốc, tài trợ.

Xe đạp lòng chảo luôn có mặt trong chương trình thi đấu tại Olympic, Asiad và SEA Games. Zimbio


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Đoàn Kim Phách, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam, cho biết: Do đặc thù của xe đạp lòng chảo, việc tuyển chọn VĐV cho bộ môn này không hề đơn giản. Không phải VĐV đua đường trường nào cũng có thể phát huy được khả năng khi tập luyện và thi đấu ở bộ môn này. Tiến Cương và Anh Dũng là những VĐV trẻ triển vọng, đã khẳng định mình qua các giải đấu trong nước. Xe đạp lòng chảo Hà Nội cũng đã có hơn 10 năm tích lũy kinh nghiệm từ những chuyến thi đấu, tập huấn tại Thái Lan, Trung Quốc… Đây là những điều kiện thuận lợi, giúp các VĐV trên dễ dàng tiếp cận môn thể thao đỉnh cao này, đồng thời tiếp thu chuyên môn và nâng cao thành tích.

Xe đạp lòng chảo gồm rất nhiều nội dung thi đấu: Đua cá nhân tính giờ, đua tốc độ, đua thể lực, đua đường trường, đua tính điểm. Một vòng chảo thường là 250m ở đáy chảo, càng gần miệng chảo thì chiều dài mỗi vòng càng lớn. Đua xe đạp lòng chảo là môn khá tốn kinh phí và nguy hiểm, rất khác biệt so với xe đạp ngoài trời: Xe đua được thiết kế chắc chắn hơn xe đua thường (tất nhiên nặng hơn), bánh thường là loại bánh mâm (hoặc ít nan hoa) để triệt tiêu lực cản không khí. VĐV xe đạp lòng chảo thường tránh dẫn đầu cho đến những phút cuối. Các tay đua luôn cố chạy sau đối phương, để tận dụng luồng gió mà đối phương tạo ra làm lực đẩy cho mình, như vậy họ có thể giữ sức cho màn nước rút. Ngoài tốc độ, thể lực và sức bền, VĐV còn phải có óc quan sát và phán đoán tốt, kỹ năng chạy chậm tốt, biết đưa ra chiến thuật hợp lý một cách nhanh nhất.


Trong thời gian tới, cơ hội để các VĐV Việt Nam sang Hàn Quốc học hỏi về đua xe đạp lòng chảo còn rất nhiều, bởi theo Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục TDTT và KSPO, thì chương trình đào tạo VĐV xe đạp lòng chảo Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ dành cho hơn 400 VĐV và hoàn toàn miễn phí. Chương trình sẽ kéo dài cho tới khi hoàn tất Dự án sân đua xe đạp lòng chảo tại Mỹ Đình (Hà Nội).


Hiện tại, Dự án sân đua xe đạp lòng chảo tại Mỹ Đình đang chờ Chính phủ phê duyệt. Đây là một dự án quan trọng trong kế hoạch tổ chức Asiad 18 - năm 2019, do Việt Nam đăng cai. Ngoài đua xe đạp lòng chảo, tổ hợp sân trị giá 500 triệu USD này còn là địa điểm thi đấu tiêu chuẩn quốc tế dành cho các môn thể thao khác, như: Cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, judo…


Khởi động lại


Việc chương trình đào tạo VĐV xe đạp lòng chảo Việt Nam tại Hàn Quốc được khởi động đã mở ra một cơ hội tái phát triển cho môn thể thao còn khá lạ lẫm với nhiều người hâm mộ xe đạp Việt Nam.


Thực ra, xe đạp lòng chảo từng có tại Việt Nam cách đây khoảng 60 năm. Sân đua ở thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) thời đó dù chưa đạt tiêu chuẩn, nhưng đã thu hút không ít VĐV tham gia và lôi kéo được người hâm mộ tới sân. Xe đạp lòng chảo cũng góp phần thúc đẩy phong trào đua xe đạp phát triển rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên, sân đua ở Huế đã xuống cấp và không còn được sử dụng. Bộ môn xe đạp lòng chảo cũng dần mai một.


Đây là một điều hết sức đáng tiếc đối với xe đạp Việt Nam, bởi xe đạp lòng chảo đã được đưa vào chương trình thi đấu từ kỳ Olympic đầu tiên (năm 1896). Ngay sân chơi SEA Games cũng có xe đạp lòng chảo, chiếm một phần không nhỏ trong các bộ huy chương dành cho xe đạp nói chung. Không có sân tập, không có lực lượng VĐV chuyên biệt, Việt Nam đành đứng ngoài môn thi đầu này trong các cuộc chơi.


Theo ông Phách, nếu có sân lòng chảo, các VĐV Việt Nam không chỉ được tập luyện bài bản nội dung đặc thù này, mà các tay đua đường trường cũng có thể dùng sân để rèn khâu nước rút. Các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines… đều có 1 - 2 sân lòng chảo, do vậy, ở các cuộc tranh tài đường trường, dễ nhận thấy các tay đua Việt Nam đều thua đội bạn ở khâu nước rút, mà người ta gọi đó là “đẳng cấp” kỹ thuật của dân xe đạp lòng chảo.


Trước mắt, giai đoạn đầu của chương trình đào tạo VĐV xe đạp lòng chảo Việt Nam tại Hàn Quốc là nhằm chuẩn bị lực lượng VĐV Việt Nam tham dự Asiad 17 - năm 2014, diễn ra tại Incheon, Hàn Quốc. Một khi Dự án sân đua xe đạp lòng chảo tại Mỹ Đình được triển khai và hoàn tất, Việt Nam dự kiến sẽ có một lực lượng VĐV mạnh ở bộ môn này, hướng tới việc đặt dấu ấn của xe đạp lòng chảo Việt Nam tại Asiad 18 và đặc biệt là tại các kỳ SEA Games sắp tới.


Song Long

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN