Murray và HLV Lendl - Chọn lối đi riêng

Trong thể thao chẳng có gì là mãi mãi, các kỷ lục luôn bị phá, từng thế hệ kế cận và cả những mối giao hảo giữa VĐV và HLV cũng “sớm nở tối tàn”.


Cho dù thế, nhiều người quan tâm đến những biến động trong làng quần vợt cũng bất ngờ khi biết Andy Murray và HLV Ivan Lendl “đường ai nấy đi”.


Murray và Lendl đã từng là một cặp đôi mang lại những đột biến cho làng quần vợt. Lendl là những gì Murray cần để đưa tay vợt hàng đầu này đến mọi điểm đến mà anh mong chờ, bao gồm cả đỉnh cao top 4 tay vợt xuất sắc nhất bảng xếp hạng. Vậy thì tại sao lại là một lời chia tay và tại sao lại ở thời điểm hiện nay?

 

Murray (phải) và HLV Lendl đã nói lời chia tay.


Ở thời điểm hiện tại, Murray có thể thấy Lendl đã đưa mình đi hết một chặng đường dài, Lendl cũng có thể thấy mình đã đi đủ con đường danh vọng và muốn tự mình phát triển một học viện quần vợt. Trên thực tế, lý do chia tay có thể đến từ Murray nhiều hơn, đặc biệt sau bản hợp đồng được đồn là lên tới 1 triệu bảng Anh mỗi năm cho vị HLV này. Đó là những gì Murray cam kết đưa cho Lendl ở giai đoạn anh tìm được chuỗi thắng lợi năm 2012 và 2013. Nhưng vấn đề không hẳn là tiền bạc. Murray vẫn đang còn rực cháy ngọn lửa chiến đấu và chiến thắng trong khi ở thời điểm hiện tại nghĩa là đầu năm 2014 này anh không còn có lại được sự sắc sảo vốn có.


Chọn Miami Masters làm điểm xuất phát cho chặng đường mới cho mình, Murray thể hiện rõ khát khao hướng tới một mùa thi đấu trên sân đất nện sắp tới. Sân đất nện với Murray sẽ là giai đoạn ít sức ép nhất vì đây không phải là mặt sân sở trường của anh vì vậy ngôi vô địch không phải là điều buộc phải giành lấy. Năm ngoái, anh cũng không tham dự Roland Garros vì vậy với mỗi trận thắng anh đều sẽ có thêm điểm thưởng giúp anh củng cố thứ hạng. Rõ ràng, không có một sức ép nào trong giai đoạn từ nay cho tới Wimbledon. Thay đổi là khó khăn nhưng việc chọn một thời điểm khôn ngoan sẽ giúp Murray có một mùa giải thành công hơn.


Quan trọng là ở giai đoạn tiếp theo, Murray sẽ làm gì để vươn tới thành công. Có thể anh sẽ lựa chọn một HLV mới để đưa mình tới những thành công tiếp theo hoặc cũng có thể tự thân vận động. Tại Anh, hầu như không có vị HLV nào có thể đưa anh tới những nấc thang mới của sự nghiệp. Điểm mặt một số tay vợt lừng lẫy mà Murray kính trọng như McEnroe quá bận rộn với công việc làm bình luận viên quần vợt, Agassi mới đây tâm sự rằng gia đình anh không ủng hộ dự định làm HLV, Becker thì đã là HLV của Djokovic. Những cái tên này khiến việc Murray lựa chọn một vị tân HLV trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết.


Nhưng ngược lại, Murray cũng có thể tự làm HLV cho mình. Anh là người thông minh và ít mắc sai lầm khi quyết định. Trong trường hợp chưa thể có lựa chọn tốt nhất thì có lẽ trông cậy vào bản thân vẫn là sự lựa chọn thông minh. Murray biết cách để giành 1 Grand Slam, anh có đủ động lực và quyết tâm thực hiện điều đó. Cũng giống như trường hợp của Federer, trong nhiều năm liền ở ngôi vị số 1 thế giới, anh không có HLV và chỉ thuê một số HLV kỹ thuật theo thời vụ để bổ sung những chỉ dẫn kỹ thuật anh tự thấy thiếu sót.


Thành tích của Federer có thể là tấm gương kích thích Murray trong giai đoạn hiện tại khi những bức tường cần vượt qua đã cao hơn mức một vị HLV thông thường có thể giúp anh vươn đến thành công. Và như đã nói, trong thể thao, không có gì là mãi mãi.


Minh Đăng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN