Rạng sáng 26/5, Wembley sẽ là “sân khấu” của một trận chung kết đặc biệt, nơi mà tất cả các “diễn viên” tham dự đều chưa từng một lần chạm tay vào Cúp vô địch Champions League. Và sẽ là cuộc chơi 100% Đức. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là: Liệu đó có phải là báo hiệu về sự thống trị dài hơi của Bundesliga tại đấu trường châu Âu?
Bayern và Dortmund tạo nên một trận chung kết toàn Đức lần đầu tiên trong lịch sử Champions League. Ảnh: welt.de |
Trên thực tế, Borussia Dortmund - Bayern Munich là trận chung kết nội bộ quốc gia thứ 4 trong lịch sử Champions League, sau Real Madrid - Valencia (3 - 0; năm 2000), AC Milan - Juventus (0 - 0, 3 - 2 bằng thi đá 11 m; 2003) và Manchester United - Chelsea (1 - 1, 6 - 5 bằng thi đá 11 m; 2008). Chuyện cả châu Âu nói tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italia hay tiếng Anh đã không còn xa lạ trong thế kỷ XXI và đó là một sự đối lập hoàn toàn so với quãng thời gian trước năm 1997, thời điểm mà mỗi liên đoàn quốc gia chỉ được quyền cử một đội bóng tham dự Champions League. Khi châu Âu đang rung chuyển bởi sự kiện Bundesliga áp đảo “quần hùng”, có lẽ cần nhìn lại 3 trận chung kết nội bộ trước đó để thấy rằng phong độ nhiều khi chỉ là nhất thời.
Đẳng cấp Tây Ban Nha
Năm 2000, Real Madrid và Valencia đã mở màn cho các cuộc đối đầu nội bộ quốc gia. Đó là một mùa giải... rất Tây Ban Nha, bởi Barcelona cũng có mặt ở vòng bán kết, sau một hành trình được đánh giá là nặng nề nhất trong lịch sử Champions League (có tới 2 vòng đấu bảng) và dập tắt hy vọng của các nền bóng đá “thấp cổ, bé họng”.
Chức vô địch lần thứ 8 trong lịch sử của Real Madrid đã báo hiệu một thời kỳ thống trị của bóng đá Tây Ban Nha, bởi từ đó, không một quốc gia nào giành được nhiều danh hiệu Champions League hơn La Liga (4 danh hiệu). Các đại diện của nửa lớn bán đảo Iberia cũng chỉ vắng mặt 2 lần ở bán kết (2005, 2007).
Barca và Real Madrid tất nhiên đã góp công lớn vào sự thống trị này, nhưng La Liga cũng không thể quên công sức của những đội bóng ít tiềm lực hơn, như Valencia (chung kết năm 2000, 2001), Villareal (bán kết 2006) và Deportivo La Coruna (bán kết 2004). Mùa giải này, dù không vào tới chung kết, nhưng La Liga cũng có 2 đại diện ở bán kết và đó vẫn là Barca, Real Madrid.
Italia và Anh thiếu ổn định
Bóng đá Italia đã rất nỗ lực ngăn cản “cỗ máy” Tây Ban Nha. Năm 2003, Serie A có tới 3 đại diện tại bán kết Champions League (AC Milan, Juventus, Inter Milan) và tạo nên một trận chung kết nội bộ. Tuy nhiên, chiến thắng của AC Milan năm đó chỉ như một ánh sáng lóe lên so với thời kỳ hoàng kim những năm 1980 - 1990, giai đoạn mà AC Milan đã đá 5/7 trận chung kết Cúp C1.
Cuộc khủng hoảng của bóng đá Italia (dàn xếp tỉ số, bạo lực, phân biệt chủng tộc...) và khó khăn về tài chính đã khiến Serie A mất dần tiếng nói ở châu Âu trong thập kỷ kế tiếp. Rốt cuộc, chiến tích năm 2003 và việc AC Milan có mặt ở trận chung kết năm 2005, giành chức vô địch năm 2007 chỉ là sự tôn vinh dành riêng cho đội bóng đỏ - đen. Trong khi đó, chức vô địch của Inter Milan năm 2010 cũng được xem là chiến công của một cá nhân: Jose Mourinho.
HLV người Bồ Đào Nha đã không còn dẫn dắt Chelsea khi đội bóng Luân Đôn thách thức Man Utd tại Moscow năm 2008. Trận chung kết Champions League mang “hương vị” FA Cup năm đó chính là một trong những điểm sáng của bóng đá Anh. Từ 2007 - 2009, Premier League mùa nào cũng có 3 đại diện tại bán kết của giải đấu danh giá nhất châu Âu. Tuy vậy, “đế chế” Anh khi đó chỉ có tính chất tương đối, bởi ngoại trừ Man Utd, không một đội bóng Anh nào khác được nâng cao Cúp vô địch. Barca của Pep Guardiola đã khuất phục Man Utd trong 2 trận chung kết năm 2009 và 2011. Còn chiến thắng của Chelsea năm 2012 thì được xem là một bất ngờ, một khoảnh khắc trỗi dậy, hơn là một sự chứng tỏ về sức mạnh bền vững. Mùa giải này là minh chứng: Không có đội bóng Anh nào có mặt ở tứ kết.
Vậy nên, dù Bundesliga áp đảo mùa giải này, người ta vẫn hoài nghi họ có thể ngự trị đỉnh cao châu Âu trong nhiều năm, trước đẳng cấp của La Liga.
Song Long