Đây là lần thứ 3 ASIAD được tổ chức tại Trung Quốc sau kỳ đại hội ở Bắc Kinh năm 1990 và Quảng Châu năm 2010. Lễ khai mạc diễn ra trong khoảng 2 giờ.
Tham dự lễ khai mạc có lãnh đạo nhiều nước như Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Thái tử Kuwait Sheikh Meshal al-Ahmad al-Sabah, Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal, Thủ tướng Timor Leste Xanana Gusmao, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và Chủ tịch Hạ viện Malaysia Johari Abdul... Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lý Gia Siêu cũng tới dự khán.
Với chủ đề "Hướng về châu Á", lễ khai mạc được chia làm 3 chương, bao gồm "Phong cách dân tộc và Vần điệu tao nhã", "Thủy triều sông Tiền Đường" và "Cùng nhau bước đi". Các nghệ sĩ cùng những công nghệ kỹ thuật số ấn tượng đã tái hiện, lồng ghép những biểu tượng và hình ảnh đặc trưng của tỉnh Chiết Giang nói chung và thành phố Hàng Châu nói riêng trong những màn trình diễn thể hiện văn hóa Trung Hoa, tinh thần thể thao châu Á và sự hội nhập trong kỷ nguyên mới.
Lễ khai mạc ASIAD 2023 quả thực là một “bữa tiệc” về âm thanh và ánh sáng trên sân vận động được mệnh danh là “Bông sen lớn”, với sức chứa lên đến 100.000 người. Nhằm mục tiêu “xanh hóa" mọi hoạt động, lễ khai mạc không có màn bắn pháo hoa như truyền thống mà thay vào đó là hàng triệu tia lửa ảo thắp sáng bầu trời, biểu trưng cho những người đã tham gia rước đuốc tại Á vận hội năm nay. Những tia lửa này sau đó hợp nhất tạo thành một hình người bước xuống sân khấu và cùng thắp sáng vạc lửa ASIAD 2023 cùng 6 VĐV tiêu biểu rước đuốc ngoài đời thực.
6 VĐV gồm Diệp Thi Văn - VĐV bơi lội, Phàn Chấn Đông - VĐV bóng bàn, Từ Mộng Đào - VĐV trượt tuyết kiểu tự do, Thạch Trí Dũng - VĐV cử tạ, Lý Linh Úy - VĐV cầu lông và Uông Thuận - VĐV bơi lội, hoàn thành màn rước đuốc cuối cùng tại lễ khai mạc.
Người cầm đuốc cuối cùng thắp sáng bục đuốc chính của ASIAD cùng với những người cầm đuốc kỹ thuật số” đại diện cho những người tham gia cuộc rước đuốc trực tuyến. Với mục tiêu bảo vệ môi trường, nhiên liệu thắp đuốc là methanol không phát thải. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước chủ nhà tổ chức lễ thắp đuốc trên nền tảng kỹ thuật số khi tích hợp giữa kỹ thuật số và thực tế.
Ngoài ra, buổi lễ còn áp dụng nhiều mô hình nghệ thuật độc đáo như phun nước toàn cảnh, công nghệ kết hợp nghệ thuật, đồng thời lồng ghép văn hóa truyền thống đặc sắc Trung Quốc vào toàn bộ lễ khai mạc thông qua những ý tưởng nghệ thuật tranh thủy mặc, sương khói Giang Nam.
Lịch sử và văn hóa lâu đời của thành phố Hàng Châu và tỉnh Chiết Giang được kể lại thông qua hình ảnh sống động dựa trên công nghệ 3D, khán giả có thể theo dõi mà không cần kính hỗ trợ.
Bài hát chính thức của ASIAD 2023 "The love we share" (Tình yêu chúng ta cùng chia sẻ) và linh vật là bộ 3 robot Chenchen, Congcong, Lianlian đều xuất hiện trong buổi lễ.
ASIAD 2023 là kỳ Á vận hội có số lượng VĐV tham dự đông nhất trong lịch sử, với gần 13.000 VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài 40 môn thi đấu với 61 phân môn, 461 nội dung thi đấu tổ chức tại thành phố Hàng Châu và 5 thành phố vệ tinh: Ninh Ba, Ôn Châu, Kim Hoa, Thiệu Hưng và Hồ Châu - cùng ở tỉnh Chiết Giang, một trong những khu vực thịnh vượng nhất Trung Quốc. Kỷ lục trước đó được thiết lập tại ASIAD lần thứ 18 diễn ra tại Indonesia vào năm 2018, với 11.420 VĐV góp mặt.
Đoàn nước chủ nhà Trung Quốc có 1.329 thành viên, trong đó có 886 VĐV tham gia tranh tài tại 407 nội dung của 38 môn thể thao.
Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2023 với 504 thành viên, trong đó có 337 VĐV, 90 HLV và 11 chuyên gia. Đoàn thi đấu 31/40 môn thể thao, 202/483 nội dung của đại hội, với mục tiêu giành 2 - 5 HCV tập trung vào nhóm môn điền kinh, cờ tướng và võ thuật, đồng thời nỗ lực giành nhiều vé tham dự Olympic Paris 2024 (Pháp). Hai VĐV được trao trọng trách cầm cờ cho Đoàn Thể thao Việt Nam là Nguyễn Huy Hoàng (VĐV bơi) và Nguyễn Thị Hường (VĐV bắn súng).
Chỉ đứng sau Đại hội Thể thao Thế giới (Olympic) mùa hè về quy mô tổ chức và thành tích thi đấu, ASIAD từ lâu đã trở thành niềm tự hào, thậm chí là biểu tượng của thể thao châu Á. Trung Quốc hiện là quốc gia giàu thành tích trong lịch sử Á vận hội, khi luôn giữ vị trí đầu bảng tổng sắp huy chương trong 10 kỳ đại hội gần nhất, với tổng số 1.473 HCV. Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 2 với 1.032 HCV, tiếp đó là Hàn Quốc - 745 HCV.