Lo mất huy chương ngay trên thảm đấu

Nước chủ nhà Myanmar đã bị chỉ trích không ít vì gạt bỏ các môn thể thao Olympic là thể dục dụng cụ và đấu kiếm, hay một môn thể thao phổ biến là quần vợt, ra khỏi chương trình thi đấu tại SEA Games 27. Chưa dừng lại ở đó, nhiều nội dung ở các môn cơ bản như bơi, cử tạ hay bắn súng cũng bị cắt giảm, khiến nhiều đoàn thể thao chỉ còn biết… than trời.


Vẫn biết tham dự cuộc chơi là phải chấp nhận cả những quy định, những luật lệ “kỳ quặc” của quốc gia đăng cai giải - vốn không còn quá xa lạ ở đấu trường SEA Games, nhưng người trong cuộc và kể cả người hâm mộ nhiều khi cũng không kìm nén được bức xúc. Không thể mang tới giải những vận động viên xuất sắc nhất, chuyện nhường nhịn huy chương, những chiến thắng “bị đánh cắp” bởi quyết định “cảm tính” của trọng tài, những nội dung thi đấu bị hủy bỏ vào phút chót… là những vấn đề khó tránh ở bất kỳ Đại hội nào.

 

Giới chuyên môn đang lo lắng cho hạng cân 56 kg của cử tạ Việt Nam.
Quang Nhựt - TTXVN


Tham dự 29 trong tổng số 33 môn thi đấu tại SEA Games 27, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) chỉ đặt chỉ tiêu giành trên 70 huy chương Vàng và phấn đấu tiếp tục có một vị trí trong tốp 3 của Đại hội. Nếu so với SEA Games 26, chỉ tiêu trên đã giảm khoảng 20 HCV, phần lớn là do sự vắng mặt của thể dục dụng cụ (TDDC) tại Đại hội (TDDC đã mang về cho Việt Nam 11 HCV tại Indonesia năm 2011).


Nhưng ngay cả như vậy, các VĐV Việt Nam vẫn còn không ít lo ngại khi đã đặt chân lên đất Myanmar. Cuộc đua huy chương luôn rất khó lường, do các đối thủ cạnh tranh luôn tìm mọi cách để hạn chế tối đa thế mạnh của Việt Nam. Thậm chí, họ sẵn sàng bỏ cuộc vào phút chót, kéo theo việc nội dung thi đấu đó bị hủy bỏ, tước đi những tấm HCV trong tầm tay của các VĐV Việt Nam.


Khả năng này đang được dự báo có thể xảy ra ở môn cử tạ. Hiện tại, cử tạ Việt Nam đang sở hữu 2 VĐV đẳng cấp thế giới và châu lục, ở hạng cân 56 kg: Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn. Tại SEA Games 26, Quốc Toàn và Kim Tuấn đã lần lượt giành HCV và HCB ở hạng cân này. Tuy vậy, theo quy định “oái oăm” của BTC SEA Games 27, cả 2 đô cử đều được đăng ký tham dự hạng cân 56 kg, nhưng khi thi đấu thì chỉ được một người (một dự bị). Điều này buộc bộ môn cử tạ phải lựa chọn Quốc Toàn hoặc Kim Tuấn cho hạng cân sở trường 56 kg. Người còn lại nhiều khả năng sẽ được đôn lên thi đấu ở hạng cân 62 kg. Trong mọi trường hợp, bộ môn sẽ đều phải tính toán rất kỹ. Theo lãnh đội Đỗ Đình Kháng, thành tích của Kim Tuấn gần đây là tốt hơn Quốc Toàn. Nhưng nếu chọn Kim Tuấn thi đấu hạng 56 kg, thì không loại trừ khả năng các đối thủ bỏ cuộc, vì biết… kiểu gì cũng thua. Mà theo quy định, nếu không đủ 3 VĐV cho mỗi nội dung thi đấu, nội dung đó sẽ bị hủy bỏ.


Tương tự như vậy là ở môn vật, môn thể thao đã đóng góp 46 HCV cho TTVN trong 5 kỳ SEA Games gần đây. Người hâm mộ Việt Nam chắc vẫn chưa thể quên những giọt nước mắt tức tưởi của của Nguyễn Thị Lụa trên đất Lào năm 2009. Do biết không thể địch nổi Lụa ở hạng cân 48 kg, nên tất cả các đối thủ đã đồng loạt bỏ cuộc ngay trước giờ thi đấu, khiến chỉ còn một mình Lụa trong danh sách, dẫn đến nội dung này bị hủy. Từng giành HCB Asiad 2010 và tham dự Olympic 2012, nhưng Lụa lại chưa một lần được hưởng niềm vui chiến thắng ở SEA Games. Ngay tại SEA Games 26, Lụa cũng phải ở nhà, vì hạng cân 48 kg của cô không có trong chương trình thi đấu. Vậy nên, năm nay, bộ môn đã quyết định đẩy Lụa lên thi đấu ở hạng cân 51 kg cho… chắc ăn. Tuy nhiên, cũng như ở môn cử tạ, hạng cân cao hơn thì cơ hội tranh huy chương tất yếu cũng khó hơn.


Một vấn đề khác đối với không chỉ riêng đoàn TTVN tại các kỳ SEA Games là cách chấm điểm nhiều khi mang tính cảm tính của trọng tài, thiên vị cho các VĐV chủ nhà. Rất nhiều trường hợp đã mất HCV, ngay cả khi đã thi đấu lấn lướt trước đối thủ, thậm chí “đè ngửa” đối thủ như Lương Thị Quyên tại SEA Games 26 (chung kết hạng 65 kg, vật nữ). “Chuyện bị xử ép ở SEA Games nào chẳng có, không tránh được”, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang, mới đây đã thừa nhận.


Đây chính là điều lo ngại đối với các VĐV Việt Nam ở các môn mà thành tích không được tính chính xác bằng thời gian, hay bằng đơn vị đo lường. Rất nhiều môn võ thuật, vốn là thế mạnh của Việt Nam, đang đứng trước nỗi lo bị xử ép (judo, karatedo, taekwondo, wushu…). Trong thời gian chuẩn bị cho SEA Games 27, hầu như HLV nào khi được hỏi cũng bày tỏ lo lắng về sự công tâm của đội ngũ trọng tài.


Môn thể hình cũng không phải là ngoại lệ. Việt Nam đang có những nhà vô địch thế giới là Phạm Văn Mách hay Nguyễn Anh Thông, nhưng chỉ khiêm tốn đặt chỉ tiêu 1 HCV SEA Games 27. Nếu các lực sỹ Việt Nam va phải các đối thủ chủ nhà thì coi như còn rất ít hy vọng, bởi Myanmar đã được “quy hoạch” để giành 2 - 3 HCV trong tổng số 5 bộ huy chương ít ỏi của thể hình.


Nguy cơ mất huy chương ngay trên thảm đấu là vì thế.


Song Long

Huy chương vàng SEA Games 27 đầu tiên thuộc về chủ nhà Myanmar
Huy chương vàng SEA Games 27 đầu tiên thuộc về chủ nhà Myanmar

Cho dù ngày 11/12, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 27 (SEA Games 27) mới chính thức khai mạc nhưng một số nội dung thi đấu sớm. Ngày 4/12, đoàn chủ nhà Myanmar đã đầy tự hào khi giành được huy chương vàng đầu tiên của ngày hội thể thao khu vực.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN