Giải Ngoại hạng Anh cái gì cũng nhất: Sôi động nhất, kịch tính nhất, nhiều người hâm mộ nhất, bản quyền truyền hình đắt nhất và giá vé vào sân đắt nhất.
Hơn 100 bảng/vé trận Arsenal
Ngoại hạng Anh là giải đấu được yêu thích nhất trên thế giới, nhưng cũng là giải đấu đắt đỏ nhất đối với người hâm mộ. Ngoài khoản tiền khổng lồ thu được từ bản quyền truyền hình và các phi vụ chuyển nhượng đình đám, các đội bóng Anh còn tận thu từ hầu bao của người hâm mộ, thông qua những mức giá vé vào sân... trên trời. Xu hướng tăng giá vé chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến không ít cổ động viên phải nổi giận.
Vé xem các trận Premier League ngày càng đắt đỏ. |
Đầu mùa giải này, hàng nghìn CĐV đã tuần hành trước trụ sở Premier League ở London để phản đối việc giá vé gia tăng. Đám đông giương cao những biểu ngữ thể hiện sự bất mãn với chi phí phải bỏ ra để tận mắt được chứng kiến một trận đấu.
Theo thống kê, giá vé ở Anh cao hơn các giải đấu hàng đầu của châu Âu khác, như Bundesliga của Đức hay La Liga của Tây Ban Nha, bất chấp nguồn thu của Premier League luôn ở mức đỉnh. Tính trung bình tất cả các đội bóng của mùa giải này, giá vé thấp nhất cho cả mùa ở mức 507 bảng, tức là 27 bảng mỗi trận, tăng 2,27% so với mùa trước. Mức cao nhất là 837 bảng, tương đương 44 bảng/trận, tăng 2,3% so với mùa trước.
Ở Anh, Arsenal là đội bóng tham lam nhất trước túi tiền của người hâm mộ. Giá vé cả mùa rẻ nhất của đội bóng này là 985 bảng, còn mức đắt nhất lên tới 1.995 bảng. Ngay cả giá vé bán lẻ cho một trận đấu ở mức cao nhất cũng là 123,5 bảng, tức là nhiều hơn giá vé xem cả mùa trung bình của một đội bóng ở Bundesliga. Arsenal từng nổi tiếng vì bị CĐV đội khách trả lại vé, khi người hâm mộ của Manchester City đã bỏ lại 912 trong tổng số 3.000 vé được phân phối, trong lần gặp mặt mùa giải trước, vì cái giá quá chát: 62 bảng. Tuy làm phiền lòng CĐV, nhưng xét về tình hình tài chính, Arsenal vẫn là một trong số ít các CLB có lợi nhuận ở châu Âu hiện nay. Giá vé càng cao, càng góp phần củng cố tài khoản của đội.
Trái lại, thật ngạc nhiên khi đội bóng rộng lượng nhất lại là Man City. Họ chỉ đề xuất mức giá vé cả mùa là 299 bảng, tức là còn thấp hơn một số đội hạng 4, dù đã có tăng 8% so với năm ngoái. Tuy nhiên, việc có các ông chủ Arab giàu có khiến đội đương kim á quân không phải lo nhiều đến nguồn thu nhập này.
Giá vé tại Premier League đã tăng 716% kể từ năm 1989, trong khi lương trung bình của người Anh chỉ tăng 186% trong cùng kỳ. |
Không có một cơ chế nào để định giá vé và mỗi CLB có quyền tự quyết định nên phân phối vé của họ ra sao, bất chấp việc nó có thể không hợp lý. Người hâm mộ thì vẫn cắn răng chịu đựng, vì ở Anh, mức độ cuồng nhiệt cao hơn rất nhiều so với Italia hay Tây Ban Nha. Ít có chuyện các khán đài nước Anh trống vắng, nên dù giá vé có cao thế nào, các CLB vẫn không lo người ta không chịu đến sân. Nắm được tâm lý đó, các đội bóng không ngừng nâng giá vé. Các số liệu cho thấy, với thỏa thuận bản quyền truyền hình cực hời cho 3 mùa tới, các CLB Anh có thể giảm 51,3 bảng mỗi vé, thì vẫn có thể thu được số tiền tương tự như hiện tại. Tất nhiên là họ không đời nào làm vậy và giá vé đã tăng 716% kể từ năm 1989, trong khi lương trung bình của người Anh chỉ tăng 186% trong cùng kỳ.
Hậu quả dài lâu?
Tất nhiên, tác hại của hiện tượng này vẫn nằm ở tương lai. Nó có thể khiến các thế hệ CĐV sau này mất dần động lực đến sân xem trực tiếp, mà lựa chọn cách ngồi nhà theo dõi qua truyền hình với giá rẻ hơn. Đặc biệt, điều này có thể khiến bóng đá trở thành thú vui của những người có tiền, phá vỡ tính thân thiện và đại chúng của môn thể thao vốn nằm trong đời sống hàng ngày của người Anh.
Về lâu dài, sự bất mãn có thể khiến CĐV quay lưng lại với chính đội bóng yêu thích của mình, khi họ biết rằng phần lớn số tiền CLB thu được là dành để trả lương cho cầu thủ và các nhà môi giới, thay vì tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng hay dịch vụ. Và khi CLB đầu tư để cải tạo hay xây mới sân bóng, như Arsenal, họ lại lấy cớ muốn thu hồi vốn nhanh để đẩy giá vé lên cao.
Bất kể là đội bóng lớn hay nhỏ, vị thế được thi đấu ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh khiến các CLB Anh tự cho mình quyền được thu phí, mà ít để ý đến sự hài lòng của những người ủng hộ. Dù giới CĐV Anh đã nhiều lần yêu cầu các nhà quản lý bóng đá nước này có biện pháp để kiềm chế các CLB, dường như họ sẽ còn tiếp tục phải chịu đựng sự bực mình, nếu muốn thỏa mãn thú vui xem trực tiếp bóng đá trên sân mỗi dịp cuối tuần.
Trần Anh