Đã thành truyền thống, thời điểm các đội bóng ở khắp nơi trên thế giới bước vào giai đoạn nghỉ giữa mùa cũng là lúc các đội bóng ở Premier League bắt đầu chặng đua căng thẳng nhất.
Người Anh vẫn xem bóng đá là một ngành giải trí, và họ luôn tìm cách phục vụ tốt nhất những "khách hàng" của mình - chính là các khán giả. Đó là lý do trong khi ở Đức, Pháp, Italia hay bất kỳ đâu, giai đoạn nghỉ Noel và năm mới là thời điểm các cầu thủ xả hơi và quần tụ với gia đình sau những tháng dài thi đấu liên tục, thì ở Anh, các cầu thủ sẽ phải xỏ giày ra sân với mục đích tạo thêm một kênh giải trí khác cho người dân. Bây giờ, ra sân đã trở thành một nhiệm vụ bắt buộc với các cầu thủ. Còn với các CĐV, tới sân xem các trận đấu bóng đá cũng đã trở thành một thói quen trong những ngày nghỉ lễ.
Kinh nghiệm của ông Ferguson (trái) có giúp MU vượt qua kỳ “marathon” khắc nghiệt? |
Là một nét "độc đáo" của bóng đá Anh, nhưng lịch thi đấu vẫn được gọi là "marathon kỳ nghỉ lễ" này không được tất cả chào đón. Các cầu thủ là những người phản đối dữ dội nhất, đặc biệt là những cầu thủ đến từ Nam Mỹ, vốn mặc định xem giai đoạn nghỉ Giáng sinh và năm mới là dịp "bù khú" bên bạn bè ở quê nhà hay những khu nghỉ dưỡng ấm áp. Ngay cả các HLV cũng thường "kêu trời" với lịch thi đấu này, lý do là họ không có đủ người để vừa đảm bảo kết quả tốt vừa đảm bảo thể lực cho các cầu thủ, nhất là với những đội bóng đang gặp vấn đề về lực lượng. Thành tích tệ hại của đội tuyển Anh ở các giải lớn gần đây cũng bị cho là có liên quan tới tình trạng các cầu thủ quá tải do phải thi đấu với mật độ khủng khiếp như thế này.
Lấy ví dụ là Chelsea. Sau khi phải tung hết sức cho trận derby London với Tottenham, vốn mang tính sống còn không chỉ cho giấc mơ vô địch mà còn cả mục tiêu top 4, họ chỉ có chưa đầy 4 ngày nghỉ ngơi trước khi bước vào một trận derby khác với Fulham vào ngày 26/12. Tới ngày 31, "The Blues" sẽ tiếp đón Aston Villa trên sân nhà, trước khi phải hành quân tới sân Molineux để gặp chủ nhà Wolves vào ngày 2/1. Nghĩa là họ sẽ phải chơi tới 4 trận, trên 3 sân khác nhau, chỉ trong vòng có 10 ngày. Chỉ riêng việc di chuyển đã có thể "ngốn" hết quỹ thời gian của thầy trò ông Villas-Boas; những chuyện thuộc về chuyên môn - nghỉ ngơi, tập thể lực, tập chiến thuật - đều có thể chỉ là những thứ "xa xỉ phẩm".
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, lịch thi đấu căng thẳng như thế lại chính là thước đo sức mạnh và chiều sâu của một nhà vô địch. Nếu HLV không có những tính toán dài hơi, một đội bóng có thể khởi đầu một cách đầy hứng khởi nhưng rồi sẽ gục ngã khi mới qua được một nửa chặng đường. Đó là lý do người ta gọi lịch thi đấu giai đoạn này là một cuộc marathon, nơi tôn vinh những VĐV có chiến thuật phân phối sức hợp lý nhất, chứ không phải những VĐV nhanh nhất. Những HLV mới "chân ướt chân ráo" tới Premier League như Villas-Boas ở Chelsea sẽ cảm nhận được rõ nhất sự khắc nghiệt của giai đoạn này. Chỉ một lựa chọn sai lầm về con người và chiến thuật là đội bóng của ông sẽ phải trả giá đắt.
Thực tế, người được "hưởng lợi" nhiều nhất từ sự căng thẳng của giai đoạn này không ai khác chính là Alex Ferguson. Với kinh nghiệm hơn 25 năm cầm quân ở giải bóng đá Anh, Sir Alex hiểu hơn ai hết rằng ông cần phải làm gì, xoay vòng lực lượng như thế nào để có thể "lành lặn" vượt qua lịch thi đấu khắc nghiệt này. Thực tế đã chứng minh là trong những năm gần đây, M.U luôn là đội tận dụng tốt nhất lịch thi đấu giai đoạn này để bứt lên phía trước và sau đó băng băng về đích. Hiện tại, M.U vẫn còn kém Man City 2 điểm, nhưng nếu "Quỷ đỏ" san bằng cách biệt về điểm với "Man Xanh" vào đầu năm mới, thậm chí vượt lên hoặc bỏ xa, thì cũng chẳng có gì là lạ.
Tuệ Minh