Giải đấu đã được Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nay Cục Thể dục Thể thao là chính thức công nhận là một bộ môn thi đấu thể thao phong trào trong hệ thống các giải đấu trong nước từ năm 2010.
Theo Ban Tổ chức, giải năm nay có 87 đội đua tham gia, tăng 10 đội so với năm trước. Các đội đua sẽ thi đấu trên 15 đường đua, trong đó có 3 đường mới và 5 đường được thiết kế lại. Các đường thi gồm: đường 1 và 2 - đường đua đôi địa hình; đường 3 - địa hình tốc độ; đường 4 - vượt khe suối; đường 5 - dốc “tử thần”; đường 6 - vượt chướng ngại vật; đường 7 - Gymkhana; đường 8 - đường đua bò mới; đường 9 - cầu gỗ và dốc nghiêng; đường 10 - lòng suối cạn; đường 11 - xuyên rừng; đường 12 - leo núi đất; đường 13 - vượt đầm lầy; đường 14 - ra đảo; đường 15 - rally mới.
Giải sẽ có 4 hạng thi, gồm cơ bản, bán tải nâng cao, nâng cao và mở rộng. Trong đó, hạng bán tải Việt Nam (ra đời từ 2016) thay đổi thành bán tải nâng cao. Nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các đội, hạng bán tải nâng cao sẽ có đường thi riêng. Ở giải lần này, bài thi đêm Adventure sẽ không thi đấu và thay vào đó là tập trung cải thiện tính thách thức ở các đường thi mới. Đường đua năm nay được thiết kế và chọn vị trí để khán giả dễ theo dõi hơn, bảo đảm an toàn cho khán giả, vận động viên và Ban Tổ chức. Mỗi hạng đấu sẽ thi nhiều hơn ít nhất một bài so với mùa giải trước. Tổng các giải thưởng trị giá trên 500 triệu đồng.
Trước đó, từ ngày 8-18/9, các đội đua đã đăng ký tham dự giải. 87 đội đua đã hoàn thành thủ tục và đủ điều kiện tham gia.
Đường đua tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là đường đua chuẩn, hấp dẫn bậc nhất, được ví như "thiên đường off-road" của các tay mê đua xe địa hình. Đường thi tận dụng đường đồi, suối cạn, dốc, bãi lầy và địa hình đường rừng tự nhiên để thách thức các tay đua tham dự giải.