Khi Mario Goetze sút tung lưới Argentina bằng một pha xử lý đẳng cấp, các cổ động viên Đức trên sân Maracana bắt đầu hát: “Chúng ta không cần đến Messi, vì chúng ta đã có Goetze”. Sản phẩm của những lò đào tạo được người Đức lập nên sau thảm họa tại World Cup 1998 và Euro 2000 cuối cùng cũng cho thấy giá trị thực sự, bằng một Cúp vàng vô địch thế giới.
Bền bỉ đào tạo trẻ
Với một làn gió mới từ các cầu thủ trẻ, Đức đã vào đến bán kết World Cup 2006, chung kết Euro 2008, bán kết World Cup 2010 và bán kết Euro 2012. Nhưng chỉ ở World Cup này, bằng sự bền bỉ, đoàn kết, mạnh mẽ của một đội ngũ trẻ tài năng với Toni Kroos, Thomas Mueller và Goetze (mà anh cũng chỉ là một dự bị), kết hợp nhiều yếu tố khác, Joachim Loew mới làm được những gì mà 8 năm trước, Juergen Klinsmann và ông, lúc ấy là trợ lý HLV của đội tuyển Đức, còn dang dở ở World Cup trên quê hương mình.
Mario Goetze, người hùng của đội tuyển Đức.Ảnh: zimbio |
Đấy là một kỳ tích thực sự, trong một giải đấu mà Đức tỏ ra bền bỉ, chắc chắn và mạnh mẽ hơn tất cả. Họ gặp một chút khó khăn trong các trận đấu với Mỹ, Algeria và Pháp, vượt trội hơn hẳn Argentina trong trận chung kết, nhưng việc giải quyết trận đấu khi loạt luân lưu 11 m chỉ còn có 7 phút được cho là xứng đáng và trọn vẹn hơn cả. Chiến thắng ấy đã đi vào lịch sử, vì kể từ khi World Cup được tổ chức lần đầu tiên ở Uruguay vào năm 1930, chưa có một đội bóng châu Âu nào có thể đăng quang trên đất Nam Mỹ.
Những danh hiệu tại World Cup 2014 *Đội vô địch: Đức *Đội á quân: Argentina *Đội hạng ba: Hà Lan *Cầu thủ xuất sắc nhất: Lionel Messi (Argentina) *Vua phá lưới: James Rodriguez (Colombia, 6 bàn) *Thủ môn xuất sắc nhất: Manuel Neuer (Đức) *Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Paul Pogba (Pháp) |
Không gì có thể tuyệt hơn một bàn thắng quyết định mang tính biểu tượng: Người ghi bàn còn rất trẻ, mới trên 20, là một quảng cáo quá xuất sắc cho thành công của hệ thống đào tạo trẻ. Không ai hơn Đức trên lĩnh vực này, kể cả người Tây Ban Nha, vốn vừa đi hết một chu kỳ thành công trên mọi cấp độ. Bàn thắng ấy đã chấm dứt những toan tính muốn đẩy trận đấu vào loạt luân lưu 11 m của Argentina, sau khi những cầu thủ của Alejandro Sabella bỏ lỡ những cơ hội hiếm hoi mà họ có, trong khi bản thân Lionel Messi đã đánh mất cơ hội đi vào lịch sử và sánh ngang với Diego Maradona trên góc độ chinh phục một Cúp vàng.
Mới chỉ là khởi đầu
Chiến thắng của Đức đã khép lại một World Cup đầy rẫy biến cố, với sự rớt đài lần lượt của Tây Ban Nha, Anh, Ý, Bồ Đào Nha, sự thảm bại chưa từng thấy của Brazil, sự trỗi dậy của các đội bóng như Bỉ hay Algeria, cũng như những vấn đề mà nước chủ nhà phải đối mặt.
Trận chung kết đã không hấp dẫn như người ta chờ đợi và việc trở thành trận chung kết thứ ba liên tiếp phải phân định thắng thua sau 90 phút cho thấy giải đấu này ngày càng trở nên toan tính và thiếu hấp dẫn hơn ở phần cuối. Nhưng nó cũng khẳng định xu hướng cân tài, cân sức của các đội bóng vào đến trận cuối cùng và những khoảng khắc thiên tài như của Andres Iniesta năm 2010, của Goetze năm 2014 và những cơn giận dữ không kìm được như của Zinedine Zidane năm 2006 sẽ quyết định thành bại. Dù sao, sự vượt trội của Đức so với Argentina vẫn khác hẳn với tính chất của hai trận chung kết kia và chặng đường đến Cúp vàng của Đức là chặng đường mà họ san bằng những siêu sao, từ Cristiano Ronaldo cho đến Messi. Chiến thắng của tập thể.
Thắng lợi của người Đức, xét cho cùng, là phần thưởng xứng đáng cho sự đầu tư một cách kiên định vào tương lai và tương lai ấy vẫn đang được viết. Thành công của đội tuyển Đức, với nòng cốt Bayern Munich, song song với thời kỳ thắng lợi của Bayern ở Cúp châu Âu. Họ sẽ còn giành được thêm nhiều thắng lợi nữa, trong một hành trình dài, bởi họ còn rất trẻ và đội ngũ hiện tại thiếu vắng một tài năng có tên Marco Reus, vì chấn thương. Không ngạc nhiên khi ngay bây giờ, họ đã được coi là ứng viên số 1 cho Euro 2016 và World Cup 2018.
Trương Anh Ngọc(Đặc phái viên TTXVN, từ Rio de Janeiro)