Dermot mất vé, mất hết giấy tờ, nhưng anh chẳng có vẻ gì là buồn. |
Nhưng không, chàng trai trẻ người Ireland này chỉ đến sân để kiếm một chút không khí của giải đấu và chờ bạn bè rời sân sau khi trận đấu kết thúc. Một tai hướng về phía những tiếng hát, tiếng cổ vũ ầm ầm từ trong sân vọng ra, nheo mắt chào một viên cảnh sát Pháp vừa đi qua, cậu nói với tôi: “Không phải là tớ không có vé. Tớ có vé. Nhưng đêm qua, tớ uống nhiều và say quá, ngã lăn ra đường lúc nào không biết, một kẻ xấu bụng nào đó đã lấy mất toàn bộ tiền bạc, giấy tờ của tớ, trong đó có hộ chiếu, và một vé của tớ. Thế nên là hôm nay, tớ lang thang ở đây”. Tôi không tin câu chuyện chẳng vui vẻ gì của chàng cổ động viên Ireland này là một câu chuyện thường xảy ra với những người hâm mộ bóng đá trong dịp EURO 2016 này, nhưng cũng là một chi tiết đáng chú ý ở những giải đấu mà hàng trăm nghìn cổ động viên nước ngoài xuất hiện và cùng hàng triệu người hâm mộ bản địa khác cùng vui trong một ngày hội chung.
Có những câu chuyện của Dermot, có những câu chuyện như của Dylan, bạn anh, người đã choảng nhau với một cổ động viên Nga chỉ vì tay này chế giễu anh, hay như của Demetrio, người đã kiếm được một cô gái rất xinh người Bỉ làm người tình một đêm sau trận Italy-Bỉ. Đấy là những câu chuyện của EURO 2016 từ phía những người hâm mộ, và ai đến đây cũng có thể là Dermot, Dylan hay Demetrio, những người rất vui tính và hay chuyện mà tôi đã gặp trong hành trình EURO này. Và ở giải đấu nào, ta cũng gặp những người như họ, nghe những điều rất hay ho mà trong một phút cao hứng, họ đã kể cho ta nghe, muốn ta chia sẻ, thậm chí còn giục giã ta viết những điều đó lên Facebook để bạn bè ta biết đến.
Kể cả những tay trông có vẻ hiền lành mà chỉ cần dăm cốc bia là trở thành hooligan cũng có thể có những điều thú vị. John, một cổ động viên Anh mà tôi gặp ở Marseille, đã khoái trí kể lại việc cậu đã “đập vỡ đầu” một tay Nga như thế nào, trước trận đấu của họ hôm 12-6. “Bọn tớ không thích đánh lẫn nhau như bọn cổ động viên Ý, mà chỉ thích ra nước ngoài đánh nhau”. “Lí do?”, tôi hỏi. “Không có lí do nào cả. Đơn giản là vì cuộc sống này quá nhàm chán. Cần phải làm cho máu ta sôi lên”. Và vì lí do ấy, cùng vô số những chuyện lặt vặt khác vì những xích mích giữa các nhóm cổ động viên, đôi khi chỉ vì một câu nói xẵng nào đó vào mặt nhau, những cuộc đánh lộn đã nổ ra giữa họ ở nhiều nơi trên đất Pháp. Các cổ động viên Anh, Nga và Croatia trở thành những kẻ gây rối lớn nhất ở một giải đấu mà người ta đã quá đủ lo lắng vì nguy cơ khủng bố.
Những cuộc vui vì bóng đá bỗng trở thành những bãi lộn xộn với rượu bia làm cái cớ. Báo chí đã từng chỉ trích nhiều thành phố của Pháp về việc vẫn bán bia và rượu ở các điểm “nhạy cảm” gần sân bóng hoặc ở trung tâm các đô thị lớn trước khi các trận đấu diễn ra. Cảnh sát và các lượng an ninh đã luôn có mặt ở những điểm nóng để chuẩn bị cho phương án xấu nhất, là cổ động viên đánh nhau, và cảnh sát can thiệp. Bắt bớ, trục xuất, xử nặng làm gương là những điều họ đã làm, nhưng những nguy cơ vẫn tồn tại. Đơn giản bởi các nhóm cổ động viên, hàng vạn người như thế, đổ đến những nơi đăng cai các giải đấu, muốn tìm kiếm nhiều cảm giác khác mà bóng đá chỉ là cái cớ. Họ hò hét trên sân, trong các khu fanzone, trước các quán bar, trên đường phố. Vì đấy là niềm vui của họ trong một mùa hè mà những chuyến đi như thế giống như một kì nghỉ dài, và bóng đá chỉ là cái cớ đưa đẩy cho những cuộc vui bất tận.
Dermot không phải lo ngại gì nhiều về chuyện giấy tờ. Cậu đã gọi điện đến lãnh sự Ireland để báo mất cắp. Họ đã cấp cho cậu một giấy tờ tạm thời (“tớ phải trả khá nhiều đấy”, cậu nói) và liệu EURO của cậu sẽ kết thúc sau trận đấu cuối cùng trong bảng của Ireland với Italy? “Tớ nghĩ là Ireland sẽ đi tiếp. Khi ấy, tớ sẽ lại mua vé và ở lại đây cho đến khi nào tớ chán ngán nước Pháp này thì thôi”. Nhưng xem ra Dermot không có vẻ gì là muốn trở về. Bố mẹ cậu sẽ gửi sang cho cậu một thẻ tín dụng mới. Bạn bè thì cho cậu ngủ lại qua đêm. Các trận đấu hay của EURO vẫn còn ở phía trước. “Tớ đã xin nghỉ làm đến hết tháng 6. Phải vui thôi cậu ạ, thắng thua chỉ là bóng đá. Hưởng thụ cuộc sống mới là điều tuyệt diệu nhất mà ta phải làm, nhất là khi ta còn trẻ và đầy năng lượng”.
Xét cho cùng, EURO hay World Cup cũng là những quán bia. Họ đến, họ uống, họ vui vẻ, nhảy múa, kết bạn với nhau, ngủ với nhau, thậm chí đánh nhau, và rồi họ trở về, mỗi người có một câu chuyện riêng để kể hoặc không muốn kể. Đời cũng chỉ sống có một lần.