Bóng đá luôn là một phần cuộc sống, nhưng bóng đá không phải là cuộc sống. Ở Brazil cũng thế. Người ta sống với bóng đá, đam mê nó, sống và chết cũng vì nó, nhưng bóng đá không thể làm thay đổi cuộc đời của họ.
Năm 2010, khi tác nghiệp tại Nam Phi, tôi đã từng gặp những người dân... ghét World Cup. Họ là những người sống trong những khu ổ chuột, cái ăn mỗi bữa còn chưa đủ, nên không thể quan tâm tới bóng đá được, dù nó diễn ra ngay trên đất nước của họ. Lại nữa, những ngày diễn ra World Cup, để bảo đảm an ninh, nên cảnh sát đứng đầy ở khu ổ chuột ấy, khiến cuộc sống của họ vốn đã bần cùng, càng ngộp thở và khó chịu hơn. Vâng, đã có những người ghét bóng đá như vậy giữa không gian của bóng đá, trong khi biết bao người ở xa xôi lại sống, ăn, thở... cùng bóng đá.
Với World Cup 2014, cũng có thể là như vậy, dù Brazil là đất nước của bóng đá. Bởi với họ, World Cup không mang lại điều gì cả, có World Cup hay không thì cuộc sống của họ cũng chẳng có gì thay đổi, đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo. Những đợt biểu tình phản đối World Cup diễn ra trong suốt thời gian qua là một minh chứng.
Vì vậy, tới Brazil lần này, một trong những đích đến của tôi vẫn là những khu ổ chuột, một trong những đối tượng phản ánh của tôi vẫn là những người bị gạt bên lề World Cup. Tôi sẽ dành nhiều thời gian cho những chuyến đi đến những ngóc ngách cuộc sống ở đấy, gặp gỡ những đứa trẻ, những người nghèo, những người không nhà, không cửa, những người mà cuộc sống của họ không hề thay đổi theo hướng tốt lên, dù hàng tỉ USD đã được chi cho World Cup. Tôi chỉ muốn tận dụng tốt nhất cơ hội mà bóng đá đã đưa tôi đến đây để gặp gỡ họ, nghe họ nói, chụp những tấm ảnh về họ, và chuyển tải về cho độc giả ở nhà. Như thế, họ sẽ biết rằng, các trận đấu vẫn diễn ra, World Cup đang sôi động, nhưng ở nơi mà ánh sáng của sân bóng không rọi đến, còn có những cuộc đời khốn khổ...
Trương Anh Ngọc