Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam 

Theo Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngày 18/11, Đại hội đại biểu Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tham dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo ngành Thể dục thể thao, lãnh đạo Uỷ ban Olympic Việt Nam qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành... 

Đại hội đã tín nhiệm bầu ra Ban chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam khóa mới gồm 39 thành viên: 1 Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch, 13 đồng chí trong Ban thường vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng được bầu là Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026. Các phó chủ tịch gồm: ông Trần Đức Phấn (Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao), ông Lê Văn Kiểm (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh golf Long Thành), ông Trần Minh Hùng (Phó Tổng Giám đốc VOV), ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel), ông Hoàng Xuân Lương (Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam). Ông Trần Văn Mạnh tiếp tục tái đắc cử chức danh Tổng Thư ký khóa VI.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Tân Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khóa mới khẳng định: Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề cho mỗi thành viên trong Ban chấp hành Uỷ ban Olympic khóa VI. Năm 2021 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của ngành. Là năm đầu tiên nỗ lực thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước 10 năm.

Theo đó, ngành phải gấp rút chuẩn bị các đề án, các chương trình hành động để cụ thể hóa Nghị nguyết đại hội Đảng, đưa Nghị nguyết Đại hội Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Với quyết tâm chính trị cao, bằng hành động quyết liệt, khát vọng cống hiến, ngành sẽ hoàn thiện các bước trong cơ chế chính sách, cụ thể hóa các kế hoạch bằng các kế hoạch và chương trình hành động cụ thể. 

"Đến thời điểm này, về lĩnh vực thể dục thể thao, chúng ta đã gấp rút để chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục thể thao và đang tiếp tục hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành chiến lược thể thao trong giai đoạn mới", Tân Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết.

Trong nhiệm kỳ mới, Ủy ban Olympic Việt Nam đã đưa ra một số mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm như: Vận động nhân dân cả nước tham gia tập luyện thể dục thể thao; phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể trong cộng đồng; phối hợp phát triển phong trào thể thao cho mọi người, thể thao trong trường học và lực lượng vũ trang; mở rộng quy mô, chất lượng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân (27/3) và Ngày Olympic trẻ em.

Về thể thao thành tích cao, tiếp tục nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm theo hướng tiếp cận với thành tích của châu lục và thế giới. Ủy ban Olympic Việt Nam cùng với Tổng cục Thể dục thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia triển khai việc chuẩn bị cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội Thể thao quốc tế hàng năm, gồm: Đại hội Thể thao trong nhà Võ thuật châu Á tại Thái Lan năm 2022, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á tại Trung Quốc, SEA Games 32, ASEAN Para Games 12 tại Campuchia năm 2023, SEA Games 33 năm 2025, Thế Vận hội Olympic tại Pháp năm 2024, Thế Vận hội Olympic trẻ mùa Đông tại Hàn Quốc năm 2024, Đại hội Thể thao châu Á tại Nhật Bản năm 2026… Tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung phát triển các môn thể thao Olympic và ASIAD theo hướng tập trung sâu và chuyên nghiệp hóa; xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tập luyện và thi đấu thể dục thể thao.

Đặc biệt, công tác chuẩn bị đăng cai SEA Games 2021; củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị về thể thao, phong trào Olympic với các tổ chức thể thao quốc tế cũng như các Uỷ ban Olympic quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực, châu lục và thế giới; tiếp tục khai thác các nguồn tài trợ, học bổng Olympic, các khóa học quản lý, kỹ thuật cũng sẽ được chú trọng.

Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Oympic Việt Nam đã cùng Tổng cục Thể dục thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển thể dục thể thao.

Bên cạnh đó, phong trào thể dục thể thao quần chúng có nhiều chuyển biến trên phạm vi cả nước, các chỉ tiêu cơ bản về thể dục thể thao quần chúng đều đạt mục tiêu đề ra. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được khôi phục, luật hóa đưa vào thi đấu tại các lễ hội truyền thống. Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường được chú trọng hơn so với trước. 

Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài ngành triển khai nhiều hoạt động phong trào thể thao cho mọi người với những bước tiến vững chắc, ổn định và có chiều sâu; tổ chức thành công nhiều giải thể thao quần chúng.

Riêng đối với thể thao thành tích cao, số lượng huy chương vàng các giải thế giới và châu Á năm 2019 đã tăng gấp đôi so với năm 2015. Thể thao Việt Nam giữ vững vị trí một trong 3 quốc gia dẫn đầu tại các kỳ SEA Games. Thể thao Việt Nam giành được 1 tấm huy chương vàng, 1 huy chương bạc lịch sử tại Thế vận hội Olympic Rio 2016; một số vận động viên ở các môn thể thao Olympic như: Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Bơi lội, Cử tạ, Cầu lông, Rowing, Điền kinh... đạt trình độ hàng đầu châu Á và thế giới; Thể thao Việt Nam liên tục nằm trong top 3 quốc gia dẫn đầu tại các kỳ SEA Games.

Đặc biệt, Bóng đá Việt Nam có nhiều khởi sắc, giành nhiều thành tích: Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia giành huy chương vàng giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) năm 2018, đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 4 đội mạnh nhất ASIAD 18; đặc biệt đội tuyển Bóng đá U22 nam lần đầu tiên trong lịch sử vô địch SEA Games; đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 6 vô địch SEA Games; đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành quyền tham dự vòng loại thứ 3 của vòng chung kết World Cup 2022, đội tuyển Futsal nam lần thứ 2 liên tiếp giành quyền tham dự vòng chung kết Futsal FIFA WORLD CUP...

TTXVN/Báo Tin tức
Việt Nam sẵn sàng chào đón các đoàn thể thao đến tham dự SEA Games 31
Việt Nam sẵn sàng chào đón các đoàn thể thao đến tham dự SEA Games 31

Ngày 28/10, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về thể thao lần thứ 6 (AMMS-6) đã chính thức diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tham dự Hội nghị có sự tham gia của các quốc gia thành viên trong khu vực Đông Nam Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN