Xu thế chuyển nhượng cầu thủ của mùa giải năm ngoái đang tái diễn khi V-League 2014 còn khoảng 2 tháng nữa là khởi tranh. Ngoài chiến dịch mua sắm rầm rộ của Becamex Bình Dương, phần lớn các đội bóng còn lại đều “thắt lưng, buộc bụng”.
“Đại gia” B. Bình Dương
Ngày 25/10 tới, Cúp truyền hình Bình Dương 2013 (BTV Cup) sẽ khởi tranh. Ngoài việc tạo cơ hội cọ xát cho đội tuyển U23 Việt Nam trước thềm SEA Games 27, giải đấu giao hữu này còn mở màn cho giai đoạn tập huấn nóng bỏng của các đội bóng V-League và hạng Nhất, hướng tới mùa giải 2014.
Trọng Hoàng (phải) nằm trong “làn sóng di dân” tới Bình Dương. Quốc Khánh - TTXVN |
Với tư cách chủ nhà của BTV Cup 2013, Becamex Bình Dương tự tin sẽ bảo vệ thành công ngôi vô địch. Sự tự tin đó có được là nhờ việc kể từ lúc V-League 2013 hạ màn, đội chủ sân Gò Đậu đã chi không dưới 30 tỷ đồng, để nhanh tay sở hữu những cầu thủ nội chất lượng mà họ đã đưa vào tầm ngắm từ trước. Đó là bộ ba cầu thủ xứ Nghệ: Nguyễn Trọng Hoàng, Hoàng Văn Bình và Âu Văn Hoàn. Những bản hợp đồng từ Sông Lam Nghệ Anh ước tính đã chiếm gần 1/2 tổng số tiền mà B. Bình Dương đổ vào thị trường chuyển nhượng trong gần 2 tháng qua.
Ngoài bộ ba cầu thủ nói trên, B. Bình Dương còn bổ sung vào đội hình một loạt ngôi sao nội khác là Nguyễn Tấn Trường, Mai Tiến Thành, Nguyễn Thành Trung. Sự có mặt của những người này cũng buộc CLB phải thanh lý gần hết số cựu binh. Có thể kể ra đây những “người thừa” của sân Gò Đậu: Từ Huỳnh Quang Thanh, Nguyễn Vũ Phong, Mai Xuân Hợp, cho đến Trần Chí Công. Số cầu thủ này đã bị đẩy ra đường và buộc phải tự tìm cho mình một bến đỗ mới.
Trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội trước mùa giải 2014, Nguyễn Trọng Hoàng là cầu thủ nhận được khoản tiền “lót tay” cao nhất tính đến thời điểm này: Khoảng 7,5 tỷ đồng cho 3 mùa đầu quân tại Becamex Bình Dương. |
Với những chuyển động như vậy tại đất Thủ, cuộc cạnh tranh suất đá chính ở B. Bình Dương mùa tới được dự đoán sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cơ hội để đòi lại ngôi vô địch sau 5 năm tay trắng vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đối với B. Bình Dương. Mùa giải vừa qua, dù cũng được đầu tư mạnh, nhưng dàn “sao” của B. Bình Dương đã gây thất vọng lớn và chỉ cán đích ở vị trí thứ 8 tại V-League 2013. Câu chuyện “nhà giàu cũng khóc” ở Bình Dương vốn không phải điều mới mẻ.
“Cây nhà, lá vườn” Cuộc đua đến ngôi vô địch
V-League 2014 được dự báo sẽ vô cùng nóng bỏng, nhưng các đối trọng của B. Bình Dương hiện vẫn tỏ ra khá im ắng. Ngay như Sông Lam Nghệ An, họ vẫn chưa có động tĩnh gì nhằm thay thế bộ ba nội binh đã ra đi. Ở đây, tiền thực sự là một vấn đề lớn đối với SLNA. Nếu có tiền, họ đã chẳng phải “bán máu”, cũng như đã không phải đẩy Lê Công Vinh sang Consadole Sapporo (hạng 2 Nhật Bản) vào đúng giai đoạn nước rút của mùa giải vừa qua. Phương án quen thuộc được SLNA lựa chọn vào thời điểm này, đó là đặt niềm tin vào lứa cầu thủ trẻ do chính CLB đào tạo nên, như Phạm Mạnh Hùng, Trần Phi Sơn, Quế Ngọc Hải, Trần Đình Hoàng…
Tình hình ở đội đương kim á quân SHB Đà Nẵng cũng không khác là mấy. Đội bóng sông Hàn đã có được chữ ký của Vũ Phong từ B. Bình Dương và đang tiếp tục tiếp cận những cầu thủ đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ, như Lê Văn Trương (Hoàng Anh Gia Lai) và Đoàn Việt Cường (XMXT Sài Gòn). Còn lại, SHB Đà Nẵng tin tưởng những hạt nhân trẻ của CLB như Hoàng Minh Tâm, Giang Trần Quách Tân, Đặng Anh Tuấn, Hà Minh Tuấn... sẽ có đất dụng võ ở mùa giải sắp tới.
Trong khi đó, không ngạc nhiên khi các cầu thủ vừa rời XMXT Sài Gòn trở thành tâm điểm “xâu xé” vào thời điểm này. XM Vicem Hải Phòng đã nhanh tay “chộp” được trung vệ dày dạn kinh nghiệm Lê Phước Tứ, nhưng giá trị của cựu cầu thủ Thể Công tất nhiên không lên đến mức 12 tỷ như khi anh về chơi cho XMXT Sài Gòn cách đây 3 năm. Một số cầu thủ khác như Trương Đình Luật, Nsi đã về chơi cho B. Bình Dương, trong khi Phan Văn Tài Em trở lại đội bóng cũ Đồng Tâm Long An sau 3 năm long đong tại Navibank Sài Gòn, XMXT Sài Gòn.
Ở nhóm tân binh, QNK Quảng Nam và Hùng Vương An Giang buộc phải nhảy vào thị trường chuyển nhượng để chuẩn bị cho cuộc chiến trụ hạng, nhưng đầu tư của họ cũng hạn chế. QNK Quảng Nam đã chào đón các hậu vệ Lê Hải Anh và Phan Thanh Vân, trong khi HV An Giang có được chữ ký của chân sút “lão tướng” Phan Thanh Bình.
Về thị trường cầu thủ ngoại, những “món hàng” được bày ra đều cũ. Hà Nội T&T thay Cristiano bằng tiền vệ Hector, vốn là cựu cầu thủ của SLNA. Chân sút Abass sau một mùa thăng hoa tại xứ Thanh đã được B. Bình Dương đưa về. Trung vệ Van Bykel thì tới Thanh Hóa sau khi kết thúc hợp đồng tại Đồng Nai… Việc V-League hiện không còn thu hút được ngoại binh tên tuổi cũng là điều dễ hiểu, bởi hầu hết các đội bóng đều đang gặp khó khăn tài chính và V-League 2014 đến thời điểm này cũng chưa biết sẽ có bao nhiêu đội bóng “đủ sức” tham gia.
Nguyễn Tuấn