Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh bày tỏ niềm tự hào trước những đóng góp xuất sắc của các nữ huấn luyện viên, nữ vận động viên tại SEA Games 31. Với tinh thần của những người phụ nữ Việt Nam, con cháu Bà Trưng - Bà Triệu, với sự dìu dắt giúp đỡ của các nữ huấn luyện viên, vận động viên đã kiên trì khổ luyện, nỗ lực không ngừng, vượt mọi khó khăn, nỗi đau thể xác vì các chấn thương trong tập luyện, gác lại những riêng tư, có người con còn rất nhỏ, quyết tâm cao mang vinh quang về cho Tổ quốc.
"Những thành tích xuất sắc đoạt được tại SEA Games 31 chính là phần thưởng cao quý, xứng đáng với những nỗ lực quyết tâm, bền bỉ của các nữ huấn luyện viên, vận động viên và sự tạo điều kiện ủng hộ hết mình của gia đình, người thân; đồng thời là sự quan tâm tạo điều kiện đầu tư của lãnh đạo thành phố Hà Nội, nhất là với thể thao thành tích cao", bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.
Đến dự chương trình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Thị Hoàng Yến cho biết, Việt Nam đã tổ chức một kỳ Đại hội Thể thao khu vực mẫu mực từ trước đến nay về tinh thần fair-play. Đoàn Thể thao Việt Nam ghi dấu ấn với kỷ lục không chỉ về số huy chương giành được (trong đó có 205 Huy chương Vàng) mà cả về chất lượng khi có tới hơn 120 Huy chương Vàng thuộc các môn thể thao trong hệ thống Olympic. Đóng góp quan trọng vào thành công trên là sự cống hiến của rất đông đảo các huấn luyện viên, vận động viên nữ đã được mọi người yêu quý gọi là "những cô gái kim cương của Thể thao Việt Nam".
Giao lưu tại chương trình, khán giả đã được nghe các huấn luyện viên, vận động viên tiêu biểu "bật mí" những câu chuyện xúc động và thú vị trên hành trình thi đấu và những nỗ lực để đạt được thành tích cao tại SEA Games 31.
Huấn luyện viên Karate Nguyễn Hoàng Ngân chia sẻ, nếu đối với các nam vận động viên, sự rèn luyện vất vả, khổ cực trên sàn tập là 7, 8, các nữ vận động viên vất vả 9,10. Họ phải hy sinh nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn. Có nữ vận động viên khổ luyện nâng cao thể lực, hồi phục sức khỏe để thi đấu SEA Games 31 chỉ sau khi sinh nở vài tháng.
"Tôi cũng từng là vận động viên, vượt qua nhiều khó khăn trong hành trình vươn tới vinh quang trong lĩnh vực thể thao. Tôi cũng từng trải qua nước mắt, khó khăn vì áp lực. Nhưng thầy tôi nói, con phải mài nhiều hơn nữa mới có thể tự hào đứng trên bậc vinh quang. Tôi muốn truyền lửa cho các vận động viên, rằng sau mỗi lần thất bại, các vận động viên hãy tự tin đứng lên bằng đôi chân của mình", Huấn luyện viên Nguyễn Hoàng Ngân nói.
Vận động viên điền kinh Khuất Phương Anh chia sẻ về quá trình luyện tập, nỗ lực vượt qua khó khăn của bản thân để đổi màu huy chương, đem vinh quang về cho đất nước. Sau khi kết thúc SEA Games 30, Phương Anh gặp chấn thương rất nặng. Tới ngày 20/11/2021, cô mới ra viện,đến ngày 27/11 đã lên đường tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31. Từng nghĩ không thể nằm trong top giành huy chương nhưng trước sự động viên của gia đình, huấn luyện viên và vì Việt Nam là nước chủ nhà, Phương Anh đã thành công về đích đầu tiên ở đường chạy 800m.
Khán giả còn được giao lưu với vận động viên Rowing Đinh Thị Hảo - một trong số ít các nữ vận động viên, thậm chí tính trong cả vận động viên nam và nữ đã lập hattrick với 3 Huy chương Vàng. Đinh Thị Hảo cho biết, gia đình luôn là hậu phương vững chắc nhất của tôi. SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, cô được thi đấu tại sân nhà, gia đình có điều kiện đến xem, cổ vũ và động viên.
"Bố mẹ tôi làm nông nghiệp, chăn nuôi nên ngày đầu tiên thi đấu, bố mẹ tôi chưa kịp thu xếp. Ngày thứ hai, bà ngoại và mẹ tôi đã thu xếp công việc xuống cổ vũ cho tôi. Đây là động lực tinh thần rất lớn nên dù phải thi đấu với áp lực lớn, tôi đã cố gắng về đích nhanh nhất để không phụ lòng gia đình và người hâm mộ luôn đứng sau cổ vũ, động viên", Vận động viên Đinh Thị Hảo chia sẻ...
Tại chương trình, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã quyết định trao Bằng khen và phần thưởng tặng 54 nữ huấn luyện viên, vận động viên tiêu biểu của Đoàn Thể thao Hà Nội.
Trước đó, các đại biểu đã đi tham quan Triển lãm "Khát vọng tỏa sáng" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Triển lãm gồm 60 bức ảnh của gần 50 tập thể, cá nhân giới thiệu các câu chuyện mang đậm chất giới trong sự nghiệp thi đấu thể thao chuyên nghiệp của các nữ vận động viên, trong đó có vận động viên khuyết tật. Triển lãm gồm 3 chủ đề "Trên đỉnh vinh quang"; "Sau ánh hào quang" và "Phút giây bình dị"...
Tại kỳ SEA Games 31, các nữ vận động viên đóng góp quá nửa số Huy chương Vàng giành được của đoàn Thể thao Việt Nam. Trong đó, nhiều người đạt thành tích rất đặc biệt như Nguyễn Thị Oanh với 3 tấm Huy chương Vàng ở môn điền kinh, được bình chọn là 1 trong 4 vận động viên xuất sắc nhất Đại hội; Nguyễn Thị Hương với 4 tấm Huy chương Vàng Canoeing; các nữ vận động viên Rowing giành cả 8 Huy chương Vàng...
Bên cạnh đó là những tập thể nữ rất xuất sắc như Đội tuyển nữ Bóng ném; đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam đã giành Huy chương Vàng tại 3 kỳ SEA Games liên tiếp và cũng là tấm Huy chương Vàng thứ bảy trong lịch sử các kỳ Đại hội... Trong những đóng góp ấy, có sự tham gia của rất nhiều vận động viên nữ của ngành Thể dục thể thao Hà Nội - ngọn cờ đầu của Thể thao Việt Nam suốt mấy chục năm qua.
Kể từ năm 1985, khi Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên cho tới nay, thể thao Thủ đô đã luôn là một trong hai địa phương có phong trào, lực lượng hùng hậu nhất cả nước. Nhiều huấn luyện viên, vận động viên xuất sắc có những đóng góp đặc biệt cho thể thao nước nhà như: Nguyễn Thuý Hiền, Phương Lan, Đàm Thanh Xuân, Nguyễn Thị Mỹ Đức, Dương Thuý Vi (Wushu); Vũ Bích Hường, Hoàng Lan Anh, Nguyễn Thị Tĩnh (điền kinh); Bùi Thị Hiền Lương, Nguyễn Thị Thuý Nga, Phùng Thị Minh Nguyệt, Đỗ Thị Ngọc Châm, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Thanh Nhã, Phạm Hải Yến, Hoàng Thị Loan (bóng đá)...