Trong lúc những rúng động về nạn dàn xếp tỉ số trong làng bóng đá ngày càng trở nên phức tạp và khó lường thì làng quần vợt tiếp tục bị tàn phá bởi tệ nạn này khi tay vợt hạng 659 thế giới người Serbia David Savic nhận từ Cơ quan liêm chính quần vợt (TIU) lệnh cấm thi đấu suốt đời.
Mức án dành cho Savic đã được đưa ra sau phiên điều trần diễn ra hôm 12/9 tại London, Anh, và kết luận cuối cùng được đưa ra vào hôm thứ Bảy vừa qua. TIU cho biết họ sẽ không công khai chi tiết của cuộc điều tra nhằm vào tay vợt người Serbia nhưng có nói rõ Savic đã 3 lần cố tình vi phạm các quy định của chương trình chống gian lận trong tennis ở quy mô toàn thế giới trong đó cao nhất là tội “dàn xếp tỉ số”. Không những phải chia tay vĩnh viễn với làng banh nỉ, Savic còn phải nộp phạt 100.000 bảng bởi hành vi gian lận của mình.
Trong sự nghiệp quần vợt phải đột ngột chấm dứt, thành tích tốt nhất của Savic là vị trí thứ 363 trên bảng tổng sắp quần vợt nam ATP vào năm 2009. Tay vợt này cũng ít gây sự chú ý của công chúng bởi chưa bao giờ đăng kí tham gia các giải đấu đỉnh cao. Đây cũng có thể là một “chiêu” của Savic nhằm che mắt nhà chức trách, nhằm dễ dàng thực hiện các hành vi của mình.
Savic bị cấm thi đấu suốt đời- Ảnh Getty |
Những hạt sạn trong làng quần vợt
TIU là cơ quan đại diện cho Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF), Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp nam (ATP) và Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp nữ (WTA). Nhưng đáng nói những thành tích của TIU cũng chính là vết đen của quần vợt nói riêng và thể thao thế giới nói chung.
Đây không phải là lần đầu tiên TIU đưa ra án cấm suốt đời đối với một tay vợt. Hồi tháng 5 năm nay, ngôi sao người Áo, Daniel Koellerer đã trở thành tay vợt đầu tiên bị cấm thi đấu vĩnh viễn với các tội danh tương tự. Koellerer từng leo lên vị trí 55 trên bảng tổng sắp ATP và vào vòng ba Mỹ mở rộng năm 2009.
Năm 2009, Caroline Wozniacki từng bị điều tra bởi quyết định rút lui trong trận đấu ở vòng 1 giải Luxembourg mở rộng hôm 21/10. Xa hơn nữa, từ năm 2007 đến 2008, TIU đã từng ban lệnh cấm thi đấu 6 tuần đến 9 tháng đối với 5 tay vợt người Italia có thứ hạng thấp vì tham gia cá cược ở các trận đấu tennis.
Năm 2008, tay vợt người Pháp Mathieu Montcourt bị cấm thi đấu 2 tháng với tội danh tương tự. Cũng trong năm này, tay vợt nổi tiếng người Nga, Nikolay Davydenko cũng là đối tượng điều tra của TIU. Song Davydenko đã được chứng minh là không hề có hành vi gian lận trong trận thua gây nhiều nghi ngờ trước tay vợt xếp hạng 87 thế giới ở năm 2007, Martin Vassallo Arguello.
Tại Wimbledon năm 2008, Carlos Berlocq cũng được liệt vào dạng tình nghi khi thua đối thủ đặc cách nước chủ nhà Boomfield (kém 170 bậc) với tỷ số rất “lạ”: 1-6, 2-6, 2-6. Đặc biệt là trước đó, hầu hết những người chơi đều đánh cửa Boomfield.
Năm 2003, thất bại 0-3 của Kafelnikov trước Fernando Vicente, tay vợt toàn thua trong vài tháng trước đó, cũng bị nghi ngờ dàn xếp song không có cuộc điều tra nào diễn ra.
Với diễn biến các vụ việc ngày càng gia tăng ở mức độ phức tạp cao hơn, trong tương lai TIU chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm. Án phạt dành cho Savic và Koellerer chính là lời cảnh báo của cơ quan này đối với những ai muốn làm “bẩn” môn thể thao được nhiều người yêu mến này.
Cẩm Oanh
(Theo TT&VH)