Qua chủ đề "Năng lượng của châu Á" (Energy of Asia), Ban tổ chức ASIAD 2018 mong muốn đề cao sức mạnh đoàn kết, tinh thần thượng võ, sự đa dạng văn hóa, di sản và kế thừa tinh hoa của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này.
Trong lần thứ hai đăng cai ASIAD, Indonesia đã nỗ lực tối đa từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng, vệ sinh môi trường và cả công tác an ninh. Tổng chi phí của nước chủ nhà cho ASIAD 2018 lên tới hơn 2 tỷ USD.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng có thể nhận thấy rõ qua công tác chuẩn bị lễ khai mạc - được hứa hẹn là sự kiện khai màn hoành tráng nhất trong lịch sử các kỳ đại hội thể thao từ trước tới nay trên thế giới.
Một ngọn núi nhân tạo nặng tới 600 tấn, dài 135m, rộng 30m và cao 26m đã được Ban tổ chức xây dựng ngay trong sân vận động Gelora Bung Karno, nhằm giới thiệu tới bạn bè thế giới sự kỳ vĩ của thiên nhiên "Xứ Vạn đảo" cùng văn hóa đa dạng nơi đây.
Chương trình rước đuốc ASIAD 2018 cũng được tổ chức rất công phu. Ngọn đuốc được lấy từ Ấn Độ, quê hương của phong trào ASIAD, được đưa về Indonesia vào ngày 5/7 và rước đi khắp đất nước Indonesia trên hành trình hơn 18.000 km qua các dòng sông, eo biển (do các VĐV bơi thực hiện) và di chuyển trên không bằng dù lượn (do các VĐV dù lượn phụ trách).
Khác với các kỳ đại hội khác trong lịch sử được tổ chức tại một thành phố duy nhất, ASIAD 2018 (diễn ra từ ngày 18/8 đến 2/9) đánh dấu lần đầu tiên một kỳ Á vận hội được tổ chức ở 2 thành phố là Jakarta và Palembang.
Thủ đô Jakarta sẽ là địa điểm thi đấu chính, với khu tổ hợp thể thao Gelora Bung Karno gồm các sân bóng đá, nhà thi đấu và cung thể thao dưới nước. Sân vận động huyền thoại Gelora Bung Karno có sức chứa hơn 80.000 chỗ ngồi sẽ là nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và các môn thi đấu điền kinh, bóng đá. Đây cũng chính là sân vận động được xây dựng khi Jakarta đăng cai kỳ ASIAD đầu tiên năm 1962. Trong khi đó, Palembang sẽ đăng cai 10 môn thể thao, trong đó có bóng đá nữ.
Lực lượng an ninh đã được triển khai dày đặc tại các điểm nóng ở Jakarta và Palembang, trong đó có cả những chuyên gia bom mìn cũng như đội đặc nhiệm bắn tỉa để tiêu diệt mục tiêu từ xa. Cảnh sát địa phương cũng được tham gia các buổi diễn tập phòng chống khủng bố.
Không chỉ lễ khai mạc và bế mạc, toàn bộ các sự kiện lớn nhỏ trong khuôn khổ ASIAD 2018 đều sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt nhất có thể. Những kẻ tình nghi có thể bị bắn ngay lập tức nếu có hành vi chống đối.
Vấn đề giao thông cũng đã được Indonesia gấp rút giải quyết. Toàn bộ các trường học ở thủ đô Jakarta được lệnh đóng cửa trong suốt thời gian diễn ra ASIAD để giảm tải cho hệ thống hạ tầng giao thông tại thành phố có tỷ lệ tắc đường đứng thứ tư thế giới này.
Ngoài ra, các tuyến xe buýt BRT và tàu điện trên cao cũng phải hoạt động hết công suất. Hai tuyến đường quan trọng gần Gelora Bung Karno được phong tỏa trong ngày 18/8, nhằm đảm bảo an ninh và giao thông thuận lợi cho ngày khai mạc ASIAD 2018.
Á vận hội năm nay vượt qua tất cả các kỳ đại hội trước về số VĐV tranh tài, với hơn 11.000 VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á, tranh 465 bộ huy chương của 40 môn thể thao. Cũng chính vì lẽ đó, Ban tổ chức đã phải huy động thêm nhiều khách sạn gần các địa điểm thi đấu làm nơi lưu trú cho các VĐV do 2 làng thể thao đa tiện nghi ở Jakarta và Palembang đều bị quá tải.
Kỳ ASIAD 2018 cũng là lần đầu tiên nhiều môn thể thao như trượt ván, kurash, dù lượn, đánh bài được đưa vào thi đấu, dẫn đến sự đa dạng lứa tuổi của các VĐV - từ 9 đến 81 tuổi.
Tại đại hội lần này, có tới 10 môn thể thao không thuộc chương trình thi đấu tại Olympic mà chỉ xuất hiện ở châu Á. Theo BBC Sport, những bộ môn này "mang tính chất truyền thống dân gian của khu vực và khá lạ lẫm".
Ngoài ra, các môn thể thao điện tử (Esport) là Liên minh huyền thoại và PES cũng lần đầu tiên ra mắt ASIAD 2018, trước khi trở thành môn thi đấu có đầy đủ bộ huy chương tại Á vận hội 2022 diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc).
Đoàn chủ nhà Indonesia dự thi đủ 40 môn thể thao, "nuôi" mục tiêu 16 HCV để đứng trong top 8 toàn đoàn. Trong khi các đoàn thể thao Đông Nam Á khác như Thái Lan đưa ra cái đích 17 HCV để đứng thứ 6 toàn đoàn, đoàn Malaysia mong đoạt 6 HCV…
Tại ASIAD 2018, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự với lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay, đặt mục tiêu giành được từ 3 - 5 HCV, với mũi nhọn là điền kinh sau cú hích từ ngôi vị số 1 Đông Nam Á tại SEA Games 2017. Võ thuật cũng được xem là một "mỏ Vàng" của Thể thao Việt Nam tại đại hội năm nay.
Những tấm HCV ASIAD của Thể thao Việt Nam trong lịch sử chỉ có tổng cộng 11 chiếc, trong số đó đến 7 chiếc thuộc về các môn võ: Karatedo đóng góp 4 tấm HCV, còn lại thuộc về Taekwondo (2 chiếc) và Wushu. Ở 2 kỳ ASIAD gần nhất, mỗi kỳ Thể thao Việt Nam chỉ giành được vỏn vẹn 1 HCV và đều nhờ công của các đội tuyển võ thuật.
Olympic Việt Nam là đội tuyển đầu tiên xuất quân và cũng là đội tuyển đầu tiên của Thể thao Việt Nam hoàn tất chỉ tiêu tại ASIAD 2018. "Những ngôi sao Vàng" xuất sắc lọt vào vòng 1/8 sau 2 trận toàn thắng ở vòng bảng, mà chưa hề thủng lưới cũng như chưa từng nhận thẻ phạt.
Hơn lúc nào hết, người hâm mộ nước nhà đang mong Olympic Việt Nam có thể tái lập kỳ tích của U23 Việt Nam ở Thường Châu (Trung Quốc), từ "ngựa ô" trở thành Á quân vô địch.