Tính đến thời trước 2004, chỉ có 2 đội thay nhau giành chức vô địch, đó là Thái Lan (3 lần) và Singapore (2 lần).
Nhưng từ năm 2007 trở đi, dưới cái tên AFF Cup, mọi chuyện đã khác rất nhiều. Khoảng cách trình độ giữa các đội đã được thu hẹp, vì vậy mà tính cạnh tranh của giải đấu được nâng lên và hấp hẫn hơn rất nhiều. Lào và Campuchia không còn dễ bị bắt nạt như trước.
Philippines lẫn Myanmar vươn mình mạnh mẽ. Và cuộc chiến cho chức vô địch cũng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Bằng chứng là 5 kỳ AFF Cup qua, có 4 đội vô địch khác nhau (Singapore 2 lần, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia) và chưa đội bóng nào có thể bảo vệ thành công chức vô địch.
Những trận đấu ở AFF Cup luôn diễn ra căng thẳng, hấp dẫn. |
Một điều đáng chú ý nữa là từ năm 2001 trở đi, bộ môn bóng đá nam tại SEA Games chỉ cho phép cầu thủ dưới 23 tuổi tham dự. Vì thế AFF Cup trở thành giải vô địch bóng đá Đông Nam Á một cách thực thụ, và sức hút của giải đấu cũng ngày càng lớn. Đơn cử như tại Tiger Cup 1996, chỉ có 3 đơn vị mua bản quyền truyền hình, nhưng đến kỳ AFF Cup 2016 này con số đó đã là 14.
Thể thức tổ chức của AFF Cup cũng trở nên chuyên nghiệp và phong phú hơn. Trước đây, giải đấu này chỉ tổ chức tại một quốc gia và tất cả các đội tuyển trong khu vực Đông Nam Á đều được quyền đăng ký tham gia. Nhưng giờ đây là 2 quốc gia đăng cai, mỗi quốc gia tổ chức một bảng và còn có cả vòng sơ loại, vòng bán kết và chung kết thì đều có 2 trận, được tổ chức theo thể thức sân nhà, sân khách. Cách tổ chức này đã đáp ứng được sự quan tâm của người hâm mộ ở mỗi kỳ AFF Cup diễn ra.
Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (tên gọi tiếng Anh là ASEAN Football Championship) là sự kiện 2 năm diễn ra một lần, được Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) tổ chức cho các ĐTQG trong khu vực tham gia tranh tài. Giải tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996 với 6 thành viên sáng lập là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào chỉ tham dự với tư cách khách mời. Thái Lan và Singapore là 2 đội tuyển giàu thành tích nhất lịch sử AFF Cup với cùng 4 lần vô địch. Người Thái có mặt trong nhiều trận chung kết nhất với 7 lần. Huyền thoại Noh Alam Shah (Singapore) là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử AFF Cup (17 bàn). Anh cũng giữ kỷ lục là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất trong 1 kỳ AFF Cup (10 bàn tại AFF Cup 2007). “Phù thủy” Radojko Avramovic là HLV thành công nhất lịch sử Đông Nam Á với 3 chức vô địch AFF Cup cùng đội tuyển Singapore trong các năm 2004, 2007 và 2012. |
Đến nay, sau 10 lần tổ chức, giải đấu đã giúp bộ mặt của bóng đá Đông Nam Á có những thay đổi rõ nét và giàu sức sống hơn. Mỗi kỳ AFF Cup giờ đây chính thức trở thành những ngày hội bóng đá khu vực, không khí tại các quốc gia đều được hâm nóng đến mức cao nhất. Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã đồng ý đưa vào hệ thống giải đấu được tính điểm để xếp hạng các đội tuyển quốc gia từ mùa giải này.
Có thể nói, sự kiện thể thao lớn cuối cùng trong năm của khu vực Đông Nam Á chính là ngày hội bóng đá lớn nhất của khu vực, giải đấu cũng trở thành động lực thúc đẩy phát triển để vùng trũng của bóng đá thế giới bớt “trũng”.