Trong đó, AFC đánh giá cao sự hợp tác của nhà cung cấp giải pháp liêm chính thể thao hàng đầu thế giới Sportradar kể từ năm 2013 cho tới nay.
Nạn dàn xếp tỷ số trong môn thể thao “vua” của châu Á được điều hành bởi các công ty cá độ bất hợp pháp được Cơ quan liêm chính quốc tế đánh giá là có giá trị lên tới 400 tỷ USD năm 2018.
Theo giám đốc pháp lý AFC Benoit Pasquier kể từ năm 2013 cho tới nay, với việc áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, nạn dàn xếp tỷ số tại châu Á giảm đáng kể.
“Kể từ năm 2016, chúng tôi đã thống kê được nạn dàn xếp tỷ số ở khu vực giảm tới 21%. Với sự hỗ trợ của công nghệ và các biện pháp phòng ngừa mà chúng tôi thực hiện đã mang lại những kết quả tích cực.”
Cá độ bóng đá bất hợp pháp là vấn nạn toàn cầu. Trong đó 5 quốc gia có nạn cá độ bất hợp pháp phát triển mạnh nhất đều là các quốc gia châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Bangladesh.
AFC bắt tay với Sportradar, các cơ quan điều tra nhằm giám sát chặt nạn dàn xếp tỷ số từ năm 2013. Vào năm 2015, năm cầu thủ người Nepal đã bị cảnh sát bắt giữ vì dàn xếp tỷ số các trận đấu trong ASIAD 2014 tại Incheon (Hàn Quốc). Những người này sau đó bị buộc tội phản quốc vì tại thời điểm đó không có luật chống lại nạn bán độ ở Nepal. Năm 2019, năm cầu thủ Trung Á bị bắt quả tang trong các trận đấu thuộc hệ thống giải AFC năm 2017 đã nhận án cấm thi đấu suốt đời.
“Từ năm 2009 - 2013 là đỉnh điểm của dàn xếp tỷ số trong bóng đá sau những vụ bê bối trên toàn thế giới. Tôi tin rằng những con số cho thấy rõ ràng rằng mọi thứ đã giảm kể từ năm 2016, điều này rõ ràng là tốt cho AFC”, Oscar Brodkin - Giám đốc dịch vụ tình báo và điều tra của Sportradar cho biết.
Theo ông Benoit Pasquier, việc ngăn chặn nạn cá độ bóng đá tại châu Á là thách thức rất lớn do sự đa dạng văn hóa và thể thao của châu lục.
Ngoài ra, việc tiền lương của các cầu thủ ở mức thấp chính là nguyên nhân chính khiến nạn dàn xếp tỷ số phát triển mạnh. Theo đại diện của Sportradar, trong khi lương cầu thủ châu Á thấp hơn rất nhiều các cầu thủ thi đấu tại các giải châu Âu nhưng lượng khán giả yêu thích bóng đá ở các nước châu Á càng lúc càng tăng cao khiến thị trường cá cược trái phép tăng cao và cũng khiến cho các vụ lừa đảo trong lĩnh vực này tăng quy mô.
Với sự vào cuộc mạnh tay từ AFC, những nhân vật chủ chốt trong các đường dây cá độ liên tục bị bắt giữ, truyền thông góp phần đưa các vụ việc ra ánh sáng giúp trong 5 năm gần đây nạn cá độ bóng đá dần được loại bỏ. Với 110 văn phòng trải khắp châu lục, Sportradar được xem là có đủ cơ sở dữ liệu để điều tra hàng triệu trận đấu để thanh lọc được hơn 5.000 trận đấu “bẩn” và truy ra tới 600 “nhà cái”.
Từ năm 2017, AFC cũng đã triển khai ứng dụng trên điện thoại để các cổ động viên, cầu thủ hay quan chức bóng đá dễ dàng tố giác các trận đấu có nghi vấn.
Tuy nhiên, nạn cá độ hiện nay đang có chiều hướng phức tạp hơn do việc sử dụng tiền điện tử, chuyển khoản ngân hàng hay các tập đoàn tài chính.
Với việc gia hạn hợp đồng, AFC sẽ tiếp tục hợp tác với Sportradar tới Cúp bóng đá châu Á AFC Asian Cup 2023 diễn ra tại Trung Quốc.