Kế hoạch chưa từng có trong lịch sử
Trong thư chia sẻ, động viên các Tổ chức thành viên VFF, các Câu lạc bộ và các Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trong bối cảnh đang phải đối diện với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Chủ tịch VFF viết: “Kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, chúng ta đã phải đối diện với những khó khăn chưa từng có. Lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam nói riêng và bóng đá thế giới nói chung buộc phải tạm hoãn tất cả các giải đấu mà chưa thể xác định chính xác thời điểm hoạt động bình thường trở lại".
Người đứng đầu VFF cũng nhấn mạnh, giải đấu bị tạm hoãn, nhưng các đơn vị liên quan như VFF, VPF, các CLB cần có sự chủ động trong các kế hoạch hướng tới tương lai, khi dịch bệnh được đẩy lùi và đời sống bóng đá trở lại bình thường.
Trong bối cảnh khó khăn do những ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra, Chủ tịch VFF kêu gọi sự chung tay, đoàn kết, trách nhiệm, niềm tin để vượt qua những thử thách trước mắt.
Bóng đá Việt Nam có thể trở lại khoảng và cách trở lại như thế nào tiếp tục đá bình thường có người xem hay đá trên sân không có khán giả một thời gian để cho dứt hẳn dịch rồi chuyển sang đá bình thường thì sẽ được VFF, VPF bàn thêm trong đầu tháng 5. Tất cả nhằm để đảm bảo sao cho các giải chính trong hệ thống thi đấu quốc gia như V-League, Cúp Quốc gia, giải hạng Nhất phải kết thúc trước ngày 31/10 nhằm đảm bảo cho đội tuyển Việt Nam tập trung tốt nhất cho chiến dịch vòng loại World Cup 2022 và bảo vệ ngôi vô địch giải bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) 2020.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định tầm quan trọng của V-League 2020 và sẽ không có chuyện giải đấu buộc phải hủy bỏ như nhiều ý kiến trước. Đây là giải đấu tiền đề cho các cầu thủ trước khi bước vào vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020 diễn ra vào cuối năm nay.
"Phương án tổ chức V-League 2020 phải đáp ứng đủ các tiêu chí: An toàn, tiết kiệm và thuận lợi cho các đội bóng tham gia" - ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch VFF khẳng định.
VFF và VPF đang tính các phương án tổ chức V-League 2020 trở lại sau khi hết thời gian tạm dừng. Một trong những phương án nhận được nhiều sự quan tâm nhất là cho toàn bộ đội bóng thi đấu ở cùng một địa điểm.
Nếu phương án này trở thành hiện thực, lần đầu tiên các đội bóng tại V-League thay vì đá hai trận sân nhà sân khách lại sẽ được đá chung ở một địa điểm. Nhiều khả năng nơi đây sẽ thuộc khu vực trung tâm nhằm đáp ứng các yêu cầu tổ chức trận đấu ở điều kiện cao nhất có thể.
Bài toán cách ly
Nếu trái bóng V-League có thể lăn trở lại từ tuần thứ 3 của tháng 5, một vấn đề lớn với các CLB là việc gom quân để chuẩn bị cho giải đấu.
Theo chỉ thị của Thủ tướng về giãn cách xã hội, nhiều đội bóng xả trại và đặt hạn hội quân ngày 15/4. Trước tình hình nghiêm ngặt không phải cầu thủ nào cũng có xe riêng để đi. Chưa kể nhiều địa phương, đối với người đến từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ lập tức đưa đi cách ly nên chắc chắn sẽ không đủ quân chuẩn bị. Chỉ khi nào lệnh giãn cách xã hội được nới ra, các cầu thủ mới tập trung được vì họ đi máy bay là chính.
Bên cạnh đó, vấn đề thể lực rất quan trọng trong thi đấu bóng đá. Phần lớn các CLB đã cho xả trại với yêu cầu các cầu thủ phải tự giác rèn luyện để duy trì phong độ. Tuy nhiên, không phải gia đình cầu thủ nào cũng có không gian riêng và trang thiết bị chuyên dùng để tập, vì thế tính hiệu quả của yêu cầu này không cao. Các cầu thủ không thể "nạp" đủ khối lượng vận động cần phải có nhằm giữ sự ổn định.
Các cầu thủ cũng cần có thời gian để lấy lại cảm giác bóng, rèn luyện các mảng miếng chiến thuật, điều này cũng khiến các CLB phải cần ít nhất 3 - 4 tuần để chuẩn bị cho việc thi đấu trở lại.
Đầu tháng 5 tới, VFF, VPF sẽ nghiên cứu và thảo luận trước khi có quyết định cuối cùng để ấn định mốc trở lại của V-League 2020.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, LĐBĐ Thái Lan (FAT) đã thống nhất đưa ra quyết định mang tính lịch sử: Tổ chức Thai League 2020 giống với bóng đá châu Âu, tức kéo dài từ tháng 9/2020 - 5/2021. Các mùa giải sau đó cũng sẽ được tổ chức như vậy, thay vì trở lại thi đấu gói gọn trong 1 năm.
Cũng giống như mọi hoạt động bóng đá trên thế giới, Thái Lan chịu thiệt hại nặng nề và sau 2 lần trì hoãn từ tháng 4 đến tháng 5, buộc LĐBĐ Thái Lan (FAT), công ty Thai League và 34 CLB lớn nhất xứ chùa Vàng phải cùng nhau thảo luận bàn giải pháp.