Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đợt tập trung của đội tuyển Việt Nam vào ngày hôm nay 5/8 gặp nhiều thử thách. Một trong số đó là trường hợp của tiền đạo chủ lực Tiến Linh.
Đã có những lo lắng về việc tiền đạo sinh năm 1997 không thể góp mặt đúng thời hạn vì anh đang ở Bình Dương, là nơi có diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tuy vậy, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã có những hành động để sớm đưa Tiến Linh ra Hà Nội. Cuối cùng, anh nhận được giấy thông hành để có thể ra Hà Nội tập trung đúng thời hạn.
Theo đó, VFF đã đề xuất đến Ban phòng chống COVID-19, Bộ Y tế nhằm đặc cách áp dụng “cơ chế bong bóng” cho Tiến Linh cùng hai trợ lý Thế Anh và Lê Huy Khoa thay vì phải cách ly 14 ngày như quy định.
Việc Tiến Linh tập trung kịp là tín hiệu mừng của HLV Park Hang-seo trong bối cảnh, tiền đạo 24 tuổi này có phong độ hết sức ấn tượng.
Trước đây, Tiến Linh không phải là sự lựa chọn số 1 trên hàng công của các đội tuyển Việt Nam. Ở cấp độ U23 hay Olympic, anh xếp sau Công Phượng, Phan Văn Đức, Văn Toàn còn ở đội tuyển quốc gia, Tiến Linh khó cạnh tranh với Anh Đức.
Anh chỉ ghi 1 bàn ở AFF Cup 2018, 1 pha lập công ở VCK U23 châu Á 2020 và không có bàn thắng nào ở Asian Cup 2019. Tuy nhiên, đến vòng loại thứ 2 World Cup 2022, Tiến Linh mới thực sự là chính mình. Anh trở thành trụ cột trên hàng công khi ghi đến 5 bàn thắng, chiếm 38% tổng số pha lập công của đội tuyển. 4/5 bàn thắng đó giúp đội nhà giành chiến thắng.
Trong bối cảnh Anh Đức không còn được sử dụng, Công Phượng vắng mặt thì Tiến Linh chính là sự lựa chọn số 1 trên hàng công của tuyển Việt Nam ở vòng loại sắp tới.
Ở đợt tập trung lần này, HLV Park Hang-seo gọi 5 tiền đạo. Ngoài Tiến Linh còn có Văn Toàn, Phạm Tuấn Hải, Hà Đức Chinh và Hồ Tuấn Tài. Rõ ràng, trong số 5 cầu thủ thi đấu trên hàng công, Tiến Linh mang đến cảm giác yên tâm cho người hâm mộ ở vị trí mũi nhọn.
Văn Toàn là cầu thủ kỹ thuật, tốc độ và có nhãn quan thi đấu chiến thuật tốt. Những pha băng lên ở tốc độ cao cùng các tình huống xử lý tinh tế có tính đột biến cao. Thế nhưng, Văn Toàn chưa cho thấy, anh phù hợp ở vị trí trung phong. Tiền đạo quê Hải Dương chỉ mạnh khi được đẩy ra đá cánh.
Phạm Tuấn Hải, Hà Đức Chinh và Hồ Tuấn Tài là những trung phong thuần túy. Ấy vậy, tân binh Phạm Tuấn Hải khó cạnh tranh suất đá chính bởi anh thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế, thể hình hạn chế lại chưa từng làm việc với ông Park tại đội tuyển quốc gia.
Sự trở lại của Hồ Tuấn Tài cũng chỉ mang ý nghĩa cạnh tranh chứ thật khó để “lật đổ” sự thống trị của Tiến Linh. Tiền đạo xứ Nghệ không phải là mẫu tiền đạo dứt điểm sắc bén. Phong độ trồi sụt ở cấp độ CLB cũng là điểm trừ của Tuấn Tài.
Trong khi đó, Hà Đức Chinh thường xuyên được gọi tập trung nhưng lại chỉ là “kép phụ”. Bản năng săn bàn của tiền đạo quê Phú Thọ ngày bị mai một. Anh được trao cơ hội tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 song dấu ấn hết sức mờ nhạt. Thể hình không thật sự lý tưởng cũng khiến Hà Đức Chinh khó làm nên chuyện trước các đối thủ mạnh sắp tới.
Với Tiến Linh, anh đang ngày càng hoàn thiện các kỹ năng. Từ dứt điểm bằng đầu đến hai chân, Tiến Linh đều thực hiện gọn gàng. Thể hình, thể lực tốt cũng giúp tiền đạo sinh năm 1997 này có thể tranh chấp sòng phẳng với các hậu vệ đối phương. Đặc biệt, khả năng “đánh hơi” bàn thắng của Tiến Linh cũng khiến các đồng đội nể phục.
Anh đang trải qua quãng thời gian đẹp của sự nghiệp. Ở tuổi 24, Tiến Linh đang là trụ cột của đội tuyển quốc gia. Truyền thông quốc tế ví rằng, Tiến Linh có thể là Lê Công Vinh thứ hai của đội tuyển Việt Nam. Ở tuổi 24, nếu xét về khía cạnh danh hiệu, Tiến Linh chỉ thiếu giải quốc nội. Anh cùng các đội tuyển Việt Nam thi đấu thành công trong ba mùa giải qua.
Và khi các đàn anh đã chìm vào dĩ vàng, Tiến Linh chính là niềm hy vọng mới trên hàng công. Tất nhiên, vấn đề khai thác và sử dụng thế nào để phát huy hiệu quả, HLV Park Hang-seo mới là người quyết định. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Tiến Linh đang là "báu vật" trên hàng công của ông Park. Tương lai anh còn bay xa khi vẫn bộc lộ rất nhiều tiềm năng.