VĐV bi đá trên băng Alexander Krushelnitsky của Nga thừa nhận sử dụng doping, tự giác trả huy chương. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Truyền thông Nga ngày 21/2 đồng loạt đưa tin VĐV bi đá trên băng Alexander Krushelnitsky thừa nhận đã sử dụng meldonium - một chất bị cấm trong thi đấu thể thao - khi tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, đồng thời tự giác trao trả tấm Huy chương Đồng mà anh cùng vợ là VĐV Anastasia Bryzgalova đã giành được cách đây vài ngày ở nội dung đôi nam nữ bi đá trên băng.
Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Liên đoàn bi đá trên băng của Nga - bà Valentina Parinova, cho biết cùng với lời thú nhận trên, VĐV Krushelnitsky tuyên bố sẽ không xuất hiện trong phiên điều trần của Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) dự kiến diễn ra ngày 22/2, vì cho rằng sự hiện diện của anh lúc này "là vô nghĩa".
Lời thừa nhận của Krushelnitsky như một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực "cải thiện hình ảnh" của thể thao Nga sau vụ bê bối doping tại Olympic mùa Đông Sochi 2014. Theo một nguồn thạo tin, Moskva đã phải trả 15 triệu USD tiền phạt hồi tháng 12/2017 để Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) xem xét nới lỏng lệnh cấm đối với các VĐV nước này.
Krushelnitsky là một trong số 168 VĐV Nga được IOC cho phép tham gia tranh tài tại Olympic PyeongChang 2018 với tư cách VĐV trung lập sau khi chứng minh rằng mình "trong sạch trước doping".
Bê bối của Krushelnitsky cũng khiến cơ hội quốc kỳ Nga xuất hiện trong lễ bế mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Trước đó, IOC để ngỏ khả năng các VĐV Olympic từ Nga sẽ được rước quốc kỳ trong đêm bế mạc nếu họ tôn trọng và tuyệt đối tuân thủ các quy định mà tổ chức này đề ra.
Tính đến nay, đã có 3 trường hợp bị phát hiện sử dụng doping tại Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, bao gồm VĐV trượt băng tốc độ người Nhật Bản Kei Saito, VĐV khúc côn cầu trên băng người Slovenia Ziga Jeglic và Alexander Krushelnitsky.
Trước khi kỳ Olympic này khởi tranh, Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) hy vọng sẽ tạo cho các VĐV tới PyeongChang tâm lý thi đấu thoải mái trong môi trường tranh tài công bằng thông qua việc lên kế hoạch tiến hành thêm hàng trăm cuộc kiểm tra doping tại giải thể thao quan trọng này. WADA nêu rõ đã tiến hành 17.000 xét nghiệm kể từ tháng 4/2017 và 2.500 mẫu nước tiểu và mẫu máu sẽ được xét nghiệm trong 17 ngày thi đấu của Olympic PyeongChang 2018.
Chủ tịch WADA Craig Reedie bày tỏ hy vọng điều này sẽ tạo môi trường cạnh tranh công bằng và trung thực theo đúng tinh thần Olympic. Ông nhấn mạnh mọi nỗ lực phòng chống doping của WADA đều nhằm mục đích mang tới một sân chơi đích thực cho các VĐV.