Vấn đề thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang là điều quan ngại chính trong chương trình nghị sự cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại đảo Bali của Indonesia. Tổng Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde ước tính rằng tình hình căng thẳng thương mại leo thang hiện nay có thể khiến GDP toàn cầu giảm bớt gần 1 điểm phần trăm trong hai năm tới.
Tuy nhiên, Giám đốc (của Fitch) phụ trách về đánh giá tín nhiệm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương Stephen Schwartz cho rằng mặc dù Fitch đã điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 từ 6,3% xuống 6,1%, song vẫn giữ nguyên đánh giá triển vọng của nước này và gần như của tất cả thị trường châu Á khác ở mức ổn định.
Phát biểu bên lề của các cuộc họp tại Bali, Giám đốc Schwartz cho hay những biện pháp thuế quan đã (được Mỹ và Trung Quốc) loan báo cho đến nay chưa đủ lớn để gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế tài chính của các nước châu Á, và do đó không dẫn tới việc hạ bậc xếp hạng của các nước.
Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế "ăn miếng trả miếng" đối với các sản phẩm và hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau trong vài tháng qua. Trong khi các nhà xuất khẩu hàng hóa trung gian lớn sang thị trường Trung Quốc như Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ là đối tượng cảm nhận rõ ràng nhất hậu quả của những biện pháp này, cơ hội nhiều nhà sản xuất nước ngooài rời chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc tới các thị trường như Việt Nam hay Philippines "gia tăng đáng kể".
Bên cạnh đó, nhà phân tích hàng đầu của Fitch James McCormack nhận xét việc các quốc gia mới nổi ở châu Á có tỷ lệ nợ nước ngoài nhỏ nhất (như một phần của nợ chính phủ) so với các khu vực khác là một lợi thế góp phần bảo vệ các nền kinh tế trong châu lục mà các khu vực khác không có. Mặc dù vậy, các đồng tiền của các thị trường mới nổi lại bị "vùi dập" do sự tăng giá của đồng USD, đặc biệt là những nền kinh tế đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai, chẳng hạn như Ấn Độ và Indonesia.
Theo chuyên gia McCormack, chính vì lẽ đó, các thị trường mới nổi nên chủ động ứng phó với khả năng thanh khoản có thể thắt chặt thêm nữa, bởi vì khi các ngân hàng trung ương lớn kết thúc chính sách nới lỏng thì họ có thể sớm kích hoạt việc thắt chặt tiền tệ "theo gót" Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).